Kinhtedothi - “Lý luận thì khô cằn, còn cây đời mãi mãi xanh tươi” - danh ngôn nổi tiếng của triết gia Decatre, đã đi cùng chúng ta và nhắc nhở chúng ta hành động. Trong suốt 85 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xuất phát từ thực tiễn mà điều chỉnh chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn cụ thể.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lịch sử nước ta đã và đang trải qua 3 giai đoạn với 3 mục tiêu chiến lược khác nhau: Giai đoạn 1930 -1945 giành độc lập dân tộc, 1945 - 1976 kháng chiến, thống nhất Tổ quốc và từ 1976 đến nay, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Xin ngược dòng lịch sử, lần tìm những giải pháp mà Đảng ta đưa ra nhằm đáp ứng thực tiễn cách mạng trong từng giai đoạn.
1. Khi lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thời kỳ đầu Đảng ta đã lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ/giai cấp. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, Đảng ta đã xem nhẹ vấn đề dân tộc, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp nên cách mạng không chỉ giẫm chân tại chỗ, thậm chí còn chịu nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng sau sự thất bại trong cuộc "ra quân" đầu tiên đó, bám sát thực tiễn và những biến cố lịch sử đang diễn ra trên thế giới, Đảng ta từng bước điều chỉnh sách lược và cuối cùng quyết định thay đổi chiến lược để đưa cách mạng tới thành công. Biểu hiện tuyệt vời, sáng chói trong việc giải quyết trọn vẹn vấn đề dân tộc và giai cấp là Nghị quyết Hội nghị VIII Ban Chấp hành T.Ư tại Pác Bó, Cao Bằng tháng 5 năm 1941. Trong mối quan hệ đó, lần đầu tiên vấn đề dân tộc được đưa lên trên hết, trước hết: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được…" (Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7. Nxb chính trị quốc gia. HN, 2000, tr, 113). Từ đó, Đảng ta mới thành lập được một Mặt trận Dân tộc thống nhất với tên gọi Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, viết tắt là Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết tất cả những người Việt Nam yêu nước không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo… phấn đấu vì nền độc lập dân tộc. Sự điều chỉnh chiến lược đúng đắn đó đã dẫn tới thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Bản đồ chính trị thế giới có sự thay đổi lớn - Việt Nam, từ một nước bị xóa tên trên bản đồ thế giới, trở thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
2. Nhưng "cây muốn lặng, gió chẳng dừng". Pháp được Anh, Mỹ giúp đỡ quay trở lại hòng đặt ách cai trị một lần nữa lên đất nước ta. Để Nhân dân ta được hưởng một nền hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vậy là kẻ thù buộc chúng ta đứng lên cầm súng một lần nữa khi lực chúng ta còn yếu, thế chúng ta đang bị dồn ép tứ phía, đang chênh vênh. Để chuyển hóa thế lực, Đảng ta đã chủ trương tiến hành "cuộc kháng chiến trường kỳ và lấy đoàn kết, đại đoàn kết làm phương châm, làm vũ khí tinh thần có sức công phá lớn để thắng kẻ dịch có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh". Với đường hướng đúng đắn đó, cuộc kháng chiến của ta đã tiến những bước vững chắc, đặc biệt trong năm 1950 khi chúng ta hoàn thành được cuộc phá vây bằng thắng lợi ngoại giao với sự công nhận của Trung Quốc và Liên Xô… Sự thay đổi to lớn về thế và lực đã dẫn đến những thay đổi trên chiến trường - chúng ta chủ động mở những chiến dịch lớn, đặc biệt trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và thừa nhận nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nhưng chúng ta mới được nửa nước, muốn thu giang sơn về trong một mối, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu. Và trong cuộc chiến đấu mới khó khăn bội lần này, chúng ta cần phải có một loại vũ khí mới có sức mạnh vượt qua tiềm lực kinh tế, quân sự của Hoa Kỳ. Loại "vũ khí tinh thần vượt trội" mà Đảng ta phát hiện ra đó là "kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại", đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành T.Ư tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã khẳng định: "Nhờ kết hợp sức mạnh của Nhân dân ta với sức mạnh của thời đại… chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất to lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược." (Văn kiện Đảng. Toàn tập. Nxb chính trị quốc gia. HN. 2004, tập 37, tr, 486 - 487). Đầu năm 1975 khi thời cơ đến, cả nước chúng ta dốc sức cho trận chiến đấu cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
3. Chúng ta đã hành quân ròng rã suốt 30 năm mới tới "đỉnh cao muôn trượng", nhưng lại nghĩ rằng những cái đã tạo nên niềm quang vinh trong chiến tranh vẫn tiếp tục đóng vai trò quyết định những thành tựu trong hòa bình, xây dựng đất nước. Phải mất 10 năm suy ngẫm và nhận thức lại những vấn đề cốt lõi xây dựng chủ nghĩa xã hội, cuối cùng chúng ta mới dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa duy ý chí, thừa nhận những hành động hợp quy luật, thừa nhận nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần… Sau 30 năm đổi mới, hình hài một nước Việt Nam cường tráng đã hiện rõ dần. Nhưng rồi nạn tham nhũng - một quốc nạn xuất hiện và để cho chuyến tàu tốc hành về đích an toàn, không có con đường nào khác là tiếp tục đổi mới. Nhưng đổi mới không như 30 năm trước, mà với những nội dung mới, song hành: đổi mới hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực và chống đến cùng nạn tham nhũng trên tất cả những cấp độ. Có như vậy mới giữ được niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Lán Khuổi Nặm, Pác Bó (Hà Quảng) - nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị T.Ư lần thứ 8 (từ ngày 10 - 19/5/1941).
|