Nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn là cơ hội với các DN Việt Nam nói chung và DN Hà Nội nói riêng. Cùng với sự quyết tâm trong đổi mới thể chế, sự hỗ trợ của chính quyền, các sở, ngành TP, DN Hà Nội đã có sự chuẩn bị để tự tin hội nhập.
Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Hanel TS. Nguyễn Quốc Bình: Hội nhập bằng công nghệ và chất lượng nhân lực trình độ cao Trong khu vực Đông Nam Á, những nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia… mang lại cho Hanel nhiều bài học bổ ích. Thứ nhất, họ đều lấy công nghệ thông tin (CNTT) làm nền tảng để phát triển (đứng đầu là Singapore); Thứ hai, chú trọng giáo dục đào tạo, thực học, thực làm; Thứ ba, họ đều chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và thứ tư là đều biết cách quảng bá cho hình ảnh quốc tế của mình theo những chuẩn mực và tập quán quốc tế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được xác định bởi 4 yếu tố chính là hạ tầng, tính minh bạch thông tin và khả năng tiếp cận thông tin, chất lượng của dịch vụ công và chính sách cạnh tranh. Khẳng định vai trò và vị trí của mình trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, Công ty Hanel đã và đang đóng góp cả trực tiếp và gián tiếp vào 4 yếu tố này. Cụ thể: Tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái sáng tạo, mở để các DN cùng hợp tác phát triển công nghệ, dịch vụ, thị trường; Đóng góp vào hạ tầng CNTT, dữ liệu lớn (big data); Phát triển Chính phủ điện tử (e-government) góp phần dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát việc triển khai các thủ tục hành chính, nâng cao năng lực hành chính và năng lực phục vụ của cơ quan Nhà nước; Nâng cao tính minh bạch thông tin và khả năng tiếp cận thông tin… Là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP Hà Nội, tôi sẽ tích cực góp phần xây dựng luật cạnh tranh, phát triển DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN… Là một DN công nghệ, các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ ứng dụng công nghệ cao như: Dự án Khu Công viên CNTT tập trung (tại quận Long Biên - Hà Nội); dự án Cảng thông quan nội địa TP Hà Nội; các dự án khoa học công nghệ như Dự án Chính phủ điện tử, Dự án Giải pháp quản lý giao thông thông minh trên nền bản đồ số; dự án Sàn giao dịch vận tải; dự án sản xuất thiết bị X quang số giá rẻ; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… là những dự án rất quan trọng đối với sự phát triển về dài hạn của Hanel. Ông Trần Hoài An - Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC): Chuẩn bị kỹ mới đón được cơ hội Chúng tôi đánh giá, việc nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn là một cơ hội của ngành bảo hiểm nói chung và BIC nói riêng. Để đón nhận những cơ hội này, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, làm tiền đề quan trọng cho sự bứt phá khi thị trường trở lại giai đoạn tăng trưởng sôi động. Cụ thể, BIC đã triển khai định hạng tín nhiệm với tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới A.M.Best với mức xếp hạng khả quan B+; bước đầu tiếp cận và thương thảo hợp tác chiến lược với nhà bảo hiểm toàn cầu đến từ Canada, FairFax; gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng” (nhóm các công ty bảo hiểm có doanh thu phí bảo hiểm trên 1.000 tỷ đồng)… Mới đây, A.M.Best đã nâng triển vọng của BIC năm 2016 lên tích cực (năm 2015, kết quả này là Ổn định) và tiếp tục khẳng định xếp hạng năng lực tài chính của BIC là B+ (Tốt). Năm 2015, thị trường bảo hiểm Việt Nam mới chỉ bước đầu thoát ra khỏi thời kỳ khủng hoảng. Trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn thị trường bảo hiểm chỉ được dự đoán ở mức từ 12 – 15%, BIC vẫn mạnh dạn đặt ra các mục tiêu đầy thử thách: Doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng từ 17 - 20%, tỷ lệ bồi thường được đảm bảo ở mức an toàn, dưới 40%. 6 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu phí bảo hiểm của BIC là 791 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7% và hoàn thành 45,2% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế riêng BIC đạt 79,5 tỷ đồng, hoàn thành 43,7% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 93,9 tỷ đạt 40,8% kế hoạch. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chúng tôi vẫn vững tâm theo đuổi chiến lược hiệu quả hoạt động nên đã thắt chặt công tác quản trị rủi ro. BIC đã chủ động từ chối các dịch vụ có mức độ rủi ro cao, đặc biệt là thắt chặt nghiệp vụ bảo hiểm con người và không cạnh tranh hạ phí bằng mọi giá đối với nghiệp vụ xe cơ giới, là các dịch vụ mà các DN bảo hiểm khác đang cạnh tranh rất quyết liệt để mở rộng thị phần. Không chỉ thành công ở thị trường trong nước, hoạt động kinh doanh của BIC tại hải ngoại cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng. Hai liên doanh – LVI tại Lào, CVI tại Campuchia - sau thời gian đầu gây dựng, đã bắt đầu thu về những “trái ngọt”. Ngoài ra, BIC cũng tiếp tục mở rộng mạng lưới hoạt động sang Myanmar - một thị trường bảo hiểm giàu tiềm năng. Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển N&G (N&G corp) Nguyễn Hoàng: Cộng đồng DN tin tưởng vào quyết tâm xây dựng chính quyền kiến tạo Là DN sản xuất, kinh doanh đầu tư đa ngành, mũi nhọn chính là đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) - đô thị, logicstics, đầu tư phát triển DN khởi nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ..., N&G corp hiện đang tập trung vào đầu tư phát triển chuỗi KCN chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ, ngay tại Thủ đô, N&G corp đang đầu tư vào KCN hỗ trợ Nam Hà Nội. Vì thế, N&G corp xác định việc hội nhập kinh tế quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt tham gia vào sân chơi TPP cùng các FTA Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc... sẽ mở cánh cửa không chỉ cho cộng đồng DN Việt Nam mà còn cho các DN quốc tế cùng tham gia. Do đó, tiềm năng, lợi ích là có nhưng thách thức không hề nhỏ với các DN trong nước. Từ thực tế này, là lãnh đạo N&G corp và trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, việc triển khai cơ cấu lại toàn bộ hệ thống con người, đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ lãnh đạo và nhân viên là yêu cầu bức thiết. Song hành với đó là những chiến lược sản xuất, kinh doanh hợp lý, để không bị dàn trải song vẫn phát huy hiệu quả. Hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để tiếp nhận kinh nghiệm quản trị, công nghệ mới, thiết bị mới là giải pháp mà DN cần quan tâm để len chân vào chuỗi sản xuất toàn cầu... Tôi tin tưởng vào định hướng của Chính phủ khi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo - Chính phủ liêm chính để cùng cộng đồng DN hội nhập kinh tế quốc tế, cùng song hành tháo gỡ khó khăn, cùng tiến bước tới thành công và đóng góp xây dựng đất nước. Đồng thời, N&G corp và cộng đồng DN kỳ vọng và tự tin, với tầm nhìn và kỹ năng của lãnh đạo TP Hà Nội, Thủ đô sẽ có sức sống mới, phát triển mới và sẽ dẫn dắt cộng đồng DN Thủ đô hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương: BIDV đã sẵn sàng Với vị thế là một ngân hàng thương mại lâu đời, BIDV luôn luôn chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về hội nhập và có những chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh mới trên cả 2 phương diện: đối nội và đối ngoại. Trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, triển khai có hiệu quả chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Chỉ thị số 01, 02, 04/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động kinh doanh của BIDV đã có sự tăng trưởng tốt, đạt kết quả tích cực so với kết quả chung của toàn ngành ngân hàng. Trong thời gian qua, BIDV luôn đồng hành cùng các DN trong quá trình hội nhập, nhất là cung cấp các sản phẩm - dịch vụ tài chính hiện đại; Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; Hỗ trợ, tư vấn các DN về thông tin thị trường, nguồn nguyên liệu, đối tác, cơ hội kinh doanh trong và ngoài nước; Sát cánh, đồng hành cùng các DN trong tiến trình hội nhập. Về đối ngoại, BIDV có quan hệ với gần 1.700 đối tác tài chính tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, có các liên doanh với các định chế tài chính của Lào, Nga, Mỹ…; Hiện diện thương mại hoạt động tại Lào, Campuchia, Séc, Nga, Đài Loan (Trung Quốc)… Đặc biệt, BIDV đã và đang trở thành đối tác tin cậy, thực hiện hiệu quả thành công nhiều dự án hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB… |