Tự tin đã thoát đáy, doanh nghiệp vẫn lo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, khu vực doanh nghiệp (DN) sẽ thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả...

Kinhtedothi - Năm 2014, khu vực doanh nghiệp (DN) sẽ thoát đáy và có mức kỳ vọng tăng trưởng khả quan, rõ nét hơn so với 2 năm trước đó. Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tổ chức hôm qua (27/6).

Doanh nghiệp bớt khó khăn

Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN năm 2014 của Tổng cục Thống kê (tiến hành từ ngày 1/1 - 30/4 với 8.100 DN) cho thấy: Năm 2014, khu vực DN  đã thoát đáy. Tính từ thời điểm 1/1/2013 - 1/1/2014 chỉ có 5,6% số DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, trong khi tỷ lệ này cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%, điều đó cho thấy, các DN đã bớt khó khăn và từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh.

 
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây. Ảnh: Trần Việt
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây. Ảnh: Trần Việt
Do các DN giảm bớt khó khăn nên các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 được dự báo tăng cao hơn năm trước. Theo báo cáo, hầu hết các DN đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển hơn trong năm 2014. Các DN dự báo các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh chủ yếu cao hơn năm 2013, đặc biệt là chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu (XK).  Theo đó,  tỷ lệ số DN dự kiến doanh thu năm 2014 sẽ tăng so với năm 2013 là 71,6%, chỉ có 14,7% số DN dự kiến giữ nguyên và 13,7% dự kiến giảm. Tương tự, có 75,1% số DN dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2014 cao hơn năm 2013, chỉ có 5,8% dự kiến bằng, và 19,1% dự kiến lợi nhuận giảm.

Báo cáo cũng cho thấy, 60,6% số DN cho rằng kim ngạch XK năm 2014 bằng năm 2013, 34,1% dự kiến cao hơn và chỉ có 5,3% dự kiến thấp hơn. Các DN FDI đứng đầu về tỷ lệ dự kiến kim ngạch XK ở mức cao hơn.

Tổng cầu thấp vẫn là thách thức

Mặc dù hầu hết các DN đều cho rằng, kinh tế đã có bước khởi sắc thế nhưng số lượng DN không vay vốn cho hoạt động mở rộng sản xuất lại không nhiều.

Tính đến thời điểm tháng 3/2014,  chỉ có 49% số DN tiến hành vay vốn ngân hàng mở rộng hoạt động sản xuất và có đến 50,5% còn lại không vay. Trong đó, tỷ lệ DN vay vốn cho sản xuất, kinh doanh của khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 60%. Tiếp đó là DN dịch vụ với 43%. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 33,7%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 60,8% DN sẽ giữ nguyên quy mô vốn như năm 2013; 33% số DN dự kiến tăng quy mô vốn và chỉ có 6,2% số DN dự kiến giảm.Theo phản ánh từ các DN, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích DN vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn gặp nhiều khó khăn  về thủ tục, lãi suất cao. Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, mặc dù 80% thành viên Hiệp hội phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, nhưng hiện chỉ có 34,8% DN lạc quan về thị trường, 16,2% cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn năm 2013. "Tỷ lệ DN lạc quan vào thị trường chưa cao và tỷ lệ DN dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 đạt thấp cho thấy DN vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự phục hồi và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế" - ông Kiêm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhiều DN không có nhu cầu vay vốn là do việc "giải bài toán đầu ra" cho sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Tại Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ vừa tổ chức tại Hà Nội, bà Lê Thị Thanh Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên nhìn nhận, thị trường trong nước chưa cải thiện nhiều so với 6 tháng cuối năm 2013, chủ yếu do nhu cầu thị trường trong nước còn thấp. "Nhiều DN đầu ngành, vốn là đầu ra cho  DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đã cắt giảm sản xuất. Điều này chứng tỏ, việc làm thế nào để tiêu thụ được sản phẩm vẫn đã và đang là thách thức lớn đối với DN" - bà Hằng nêu ý kiến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần