Nghe danh giáo sư, rồi vị trí công tác hiện tại của ông, thâm tâm tôi ngỡ chắc hẳn sẽ khó tiếp cận, đến điện thoại cũng băn khoăn lựa chọn thời điểm nào cho hợp lý, bởi thời gian của ông là vàng ngọc. Thế nhưng, vượt xa sự tưởng tượng của mình, giáo sư Nguyễn Hữu Đức xuất hiện thật gần gũi, bình dị nhưng cũng không kém phần ấn tượng.
GS Nguyễn Hữu Đức (bên trái) tại buổi lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội tới GS Ngô Bảo Châu năm 2011. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Tuổi thơ nhọc nhằn
Xa quê bao nhiêu năm, nhưng GS Nguyễn Hữu Đức vẫn còn giữ chất giọng đầm ấm, mộc mạc của quê hương Quảng Bình. Có lẽ, đó là điểm thu hút đầu tiên của ông với người đối diện, tạo sự gần gũi, thân tình, cho dù đó là lần đầu gặp mặt.
Ông sinh ra ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch) - một vùng quê sơn thủy hữu tình nằm cuối dòng Gianh lịch sử, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Ba ông là Trưởng đoàn Văn công, Ty Văn hóa tỉnh Quảng Bình trong thời chiến tranh chống Mỹ; các cô, chú đều là những diễn viên có tiếng. Cậu bé Đức ngày ấy cũng thầm mơ lớn lên sẽ trở thành nghệ sĩ. Thế nhưng... biến cố lớn của gia đình, đã khiến cuộc đời Đức rẽ sang một lối đi khác.
Năm lên 11 tuổi, ba Đức mất, rồi chỉ 3 năm sau, bom đạn chiến tranh lại cướp đi người mẹ thân yêu. Đau đớn, buồn tủi, nhưng không thể gục ngã, bởi Đức là anh cả, sau Đức còn ba đứa em nữa. Mới 14 tuổi đầu, Đức đã trở thành trụ cột trong gia đình. Bến phà Gianh lúc đó hầu như ngày nào cũng in dấu chân của cậu bé Đức với rổ bánh rán và trứng luộc, mong kiếm thêm chút tiền phụ giúp bà nuôi em. Tuổi thơ nhọc nhằn là vậy, nhưng bù lại mấy anh em đều chăm chỉ học hành, theo lời răn dạy của bà nội.
Năm 1976, Nguyễn Hữu Đức thi đỗ vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội) và được vào học ngành Vật lý. Lần lượt, hai cô em gái đều đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế và cậu em út cũng nối gót anh theo học ngành Vật lý của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, Nguyễn Hữu Đức hoàn thành xuất sắc khóa luận tốt nghiệp và được giữ lại làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm Vật lý nhiệt độ thấp do Hà Lan tài trợ. Và cũng bắt đầu từ đó, con đường nghiên cứu khoa học của ông ngày càng rộng mở...
Một “ngoại lệ xuất sắc”
Nhiều tờ báo đã bình luận như vậy về sự kiện tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức (lúc đó 46 tuổi) được công nhận là giáo sư trẻ nhất Việt Nam của năm 2004. “Ngoại lệ” bởi ông vừa được phong phó giáo sư trước đó chỉ 2 năm, nghĩa là được công nhận trước thời hạn. Chính những công trình nghiên cứu xuất sắc, các bài báo khoa học và uy tín, thành tích giảng dạy của ông đã thuyết phục các nhà khoa học trong hội đồng các cấp từ cơ sở, ngành đến cấp nhà nước; “đã vượt xa so với tiêu chuẩn quy định về các công trình nghiên cứu, bài báo và sách khoa học đã viết cũng như số giờ giảng và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh”- GS.TSKH Đỗ Trần Cát - Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước từng đánh giá như vậy.
Từ công trình nghiên cứu đầu tiên “Tính chất từ của các hợp chất đất hiếm ở nhiệt độ thấp” mà nhà nghiên cứu khoa học trẻ cùng cộng sự thực hiện được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, đến nay, GS Đức đã có 5 tập sách chuyên khảo được ấn hành tại Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan) danh tiếng và gần 100 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế. Các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của ông được các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao và trích dẫn hơn 1.000 lần để biện chứng cho đề tài khoa học của họ. Ông cũng thường xuyên được mời đi thỉnh giảng và thuyết trình khoa học tại các trường đại học của Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Năm 2004, tại hội nghị vật lý Châu Á - Thái Bình Dương, ông được trao tặng giải thưởng Giang Chấn Ninh (tên nhà khoa học châu Á đầu tiên đạt giải thưởng Nobel). Nhưng thành quả khiến GS Đức vui nhất chính là việc ông đã tiếp được ngọn lửa nhiệt tình khoa học cho thế hệ trẻ. Nhiều học trò của ông sớm khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trong đó có tiến sĩ Đỗ Thị Hương Giang được công nhận chức danh phó giáo sư khi vừa mới 33 tuổi.
Trường đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) - nơi ông từng làm Hiệu trưởng - có 3 năm liền sinh viên công nghệ thông tin của trường nằm trong tốp 100 trường đại học danh tiếng của thế giới ở vòng chung kết cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế (AMC), 3 năm liền các nhà khoa học trẻ của trường đạt giải “Nhân tài đất Việt” và 3 năm liền cán bộ của trường liên tục được giao thực hiện các đề tài khoa học lớn cấp nhà nước... Với thành tích và uy tín trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như công tác quản lý, năm 2008, GS Nguyễn Hữu Đức được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Nhìn bề dày thành tích trong nghiên cứu khoa học cũng như giảng dạy, ít ai nghĩ rằng: phần lớn thành quả ấy đều xuất phát từ quá trình tự học, tự nghiên cứu của ông. Hầu như toàn bộ quá trình học tập, nghiên cứu, ông đều thực hiện ở trong nước. GS.TSKH Thân Đức Hiền- người thầy trực tiếp hướng dẫn và dìu dắt GS Nguyễn Hữu Đức từ những ngày đầu ở phòng thí nghiệm Vật lý nhiệt độ thấp đã từng nhận xét: “Ấn tượng sâu sắc nhất mà Đức để lại cho tôi chính là nghị lực. Đức có tinh thần vượt khó và tự lực rất cao”. Có lẽ, tinh thần vượt khó ấy đã được hun đúc từ những năm tháng tuổi thơ mà cậu bé Đức đã phải trải qua.
Nặng nợ với quê hương
Đã gần 40 năm xa quê, nhưng quê hương và những kỷ niệm thuở ấu thơ vẫn luôn in đậm trong tâm trí vị giáo sư vừa qua tuổi 50 ấy. Ông nhớ dòng Gianh với làn gió mát những chiều hè, nhớ bến phà nơi ông từng lặn lội mưu sinh cùng nội, nhớ những bài giảng của thầy cô dưới thời bom đạn... Và đôi mắt vị giáo sư buồn diệu vợi khi nhắc đến ngày 13-01-1973, cái ngày đau thương đã trở thành một nỗi ám ảnh suốt cuộc đời ông: 156 bộ đội, thanh niên xung phong và người dân quê ông đã ngã xuống trong trận bom do máy bay Mỹ oanh tạc trước 14 ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc.
Ngày ấy, mẹ ông cũng đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương như bao người dân vô tội khác! Ngày ấy, 4 anh em Đức lầm lũi nắm tay nhau nép vào lòng nội và những người dân nơi quê nhà. Ngày ấy, dòng sông Gianh vốn xanh yên bình, thôn Quyết Thắng đang hiền ngoan sau những lũy tre xanh đã dường như nhuộm đỏ...
Và rồi vị giáo sư như vui hơn khi nhắc đến Quảng Bình hiện tại với những đổi thay đáng mừng, ông mong muốn mình được chung tay, góp sức để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Theo ông, bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Trường đại học Quảng Bình cần quan tâm, ươm tạo một số nhóm khoa học trẻ, có tiềm năng để phát triển thành doanh nghiệp khoa học công nghệ, tạo ra các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế tri thức. Trong chiến lược phát triển đó, ĐHQG Hà Nội có thể hỗ trợ đào tạo giảng viên, phát triển quan hệ với các trường đại học trên thế giới.
Ông còn trăn trở: nghề biển của Quảng Bình là một tiềm năng, nhưng cũng còn lắm rủi ro đang rình rập ở ngoài khơi. GS Đức dự định sẽ phát triển các kết quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp về vật liệu nano composite để đóng tàu thuyền, chế tạo các thiết bị giám sát hành trình tàu cá và trao đổi thông tin hai chiều với đất liền để tăng cường bảo vệ hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho ngư dân... Tôi tin, những khát vọng và ước mơ ấy của giáo sư sẽ sớm thành hiện thực!