Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là "kim chỉ nam" trong sự nghiệp đổi mới, phát triển, xây dựng Thủ đô

Kinhtedothi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia ”Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới, phát triển và bảo vệ Tổ quốc” được tổ chức nhân kỷ niệm 130 Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2020), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có bài tham luận về chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp đổi mới và phát triển, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Báo Kinh tế & Đô thị xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận.

Kể từ ngày Bác mất đến nay, thấm thoắt đã hơn 50 năm, nhưng những tình cảm ưu ái và mong muốn thiết tha của Bác dành cho Thủ đô Hà Nội vẫn luôn ghi khắc sâu đậm trong lòng mỗi đảng viên, người dân và chiến sỹ Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội vinh dự là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian sống, làm việc lâu nhất trong cuộc đời; nơi yên nghỉ của Người trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ưu ái, dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô; dành cho đồng bào, chiến sĩ Thủ đô những tình cảm thân thương nhất. Trên các nẻo đường của Thành phố, nội thành, cũng như các huyện ngoại thành đều in đậm dấu chân Người. Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức...; trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Người đã dành những lời động viên, khích lệ, khuyên bảo, chỉ dẫn chân tình, cởi mở, đầy tình yêu thương, nhân ái, bao dung và độ lượng.

Người thiết tha mong muốn “Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội; và yêu cầu “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”.

Người động viên bằng những lời lẽ giản dị: “Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “thủ” là đầu, phải đi đầu...”“Các đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”.

Người xác định vinh dự, tự hào và trách nhiệm to lớn của Thủ đô là “đầu tàu”, “gương mẫu”: Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”,“giữ gìn trật tự an ninh”, “ổn định sinh hoạt”, “vệ sinh sạch sẽ”chú trọng “phòng bệnh”.

Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với căn dặn: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và Công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”; yêu cầu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”. 

Đối với tầng lớp trí thức, cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Người dạy: “Mỗi người như thế, trăm người như thế, vạn người như thế, công quỹ đã bớt được một số tiền đáng kể lấy ở mồ hôi nước mắt dân nghèo mà ra...”.

Người căn dặn: “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

Người yêu cầu: Trong gia đình, thực hiện đời sống mới “về tinh thần thì trên thuận, dưới hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau; về vật chất từ ăn mặc, đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi giỗ tết nên đơn giản tiết kiệm”; “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”.

Người dạy: “Nếu mỗi người tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”. 

Người đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với người có công và yêu cầu “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”.

Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và chiến sỹ Thủ đô luôn ghi nhớ, coi đó là kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi sáng quá trình xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại- như sinh thời Bác hằng mong muốn.

 Quang cảnh tại điểm cầu Hà Nội.

Hà Nội đã quán triệt, vận dụng sáng tạo và phát triển những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa, Hà Nội luôn quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, gắn liền với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của thế giới.

Thành phố cũng đặc biệt chú trọng đến xây dựng môi trường văn hóa ngày càng đi vào thực chất thông qua các Chương trình “Phát triển văn hóa -xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, thực hiện Quy ước tổ chức việc cưới “Văn minh - Lành mạnh - Tiết kiệm”; việc tang “Trang nghiêm - Tiết kiệm - Nghĩa tình”; lễ hội theo hướng phần lễ và hội hài hòa, loại bỏ hủ tục, thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”“Nếp sống văn minh -Gia đình văn hóa”“Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo tấm gương Bác Hồ“Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”“Trường học văn hóa”“Đường phố xanh, sạch, đẹp”… 

Lĩnh vực văn học- nghệ thuật luôn được Thành phố quan tâm đầu tư; đặc biệt chú trọng nâng cao điều kiện hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật cho các tầng lớp nhân dân. Sự nghiệp giáo dục- đào tạo và khoa học- công nghệ của Thủ đô cũng không ngừng phát triển, là nơi tụ hội những “hiền tài, nguyên khí của quốc gia”, là trung tâm lớn của đất nước trong việc “trồng người” và tiếp cận với những tri thức khoa học tiên tiến của nhân loại.

Năm 2013, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng và thông qua Quy hoạch xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô đến năm 2020, với tầm nhìn chiến lược về xây dựng con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Các phong trào thi đua được duy trì và đi vào nền nếp như “Người tốt, việc tốt”“Đền ơn đáp nghĩa”“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tổ chức xét chọn và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”; thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”“Năm trật tự văn minh đô thị”…  

Những tháng đầu năm 2020, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ đô đã đồng lòng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có kết quả Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của lãnh đạo Quốc hội. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tấm lòng thơm thảo, nhân ái, nhiều hoạt động, việc làm chan chứa nghĩa tình, yêu thương được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân ở Hà Nội... cùng chung tay ủng hộ bằng cả vật chất, tinh thần, tiền bạc, trí tuệ… dưới nhiều hình thức phong phú, vô cùng cao quý.

Vì mục tiêu phát triển, Hà Nội luôn chú trọng chăm lo công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu. Từ “gương mẫu” này chính là Bác Hồ đã dạy và yêu cầu đối với Đảng bộ Hà Nội. Qua 90 năm phát triển, từ một số ít đảng viên, Đảng bộ Hà Nội hiện nay đã có 50 tổ chức Đảng trực thuộc với hơn 450.000 đảng viên, bằng gần 10% tổng số đảng viên cả nước. Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Đầu năm 2017, Hà Nội ban hành “Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng”Đến nay, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 15 bậc so với năm 2015, vươn lên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sau hơn 30 năm đổi mới, Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực không ngừng xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã cùng với cả nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Diện mạo Thủ đô có nhiều đổi mới. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8% dân số cả nước, nhưng Hà Nội đang đóng góp gần 16% tổng lượng GDP, 18% tổng thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Đến nay, Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,36 lần so với năm 2016. 

Giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, được đánh giá dẫn đầu cả nước về nhiều tiêu chí. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo được tăng cường.

Hệ thống y tế phát triển tương đối đồng bộ. Thể thao tiếp tục có bước phát triển, triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Hà Nội đã luôn thực hiện chu đáo phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. 

Thành phố đã rà soát, ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn đã giảm từ 8,43% năm 2008 còn 0,42 vào cuối năm 2019. Hiện nay, Thành phố không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. 100% gia đình người có công với cách mạng đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi sinh sống, không còn hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện nghèo.

Một góc thành phố Hà Nội nhìn từ trên cao

Sắp tới, Hà Nội quyết tâm tiếp tục xây dựng, phát triển theo tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước… 

Thành phố đã và đang tập trung quyết liệt chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hà Nội đã tiên phong, đi đầu, gương mẫu và giành thắng lợi trong phòng, chống đại dịch Covid-19, Hà Nội cũng đang quyết liệt phấn đấu để tiên phong, gương mẫu và giành thắng lợi trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao gấp 1,3 lần so với bình quân của cả nước, đảm bảo các cân đối lớn về kinh tế, ngân sách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 16, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và đang nỗ lực hết mình để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Bước sang một kỷ nguyên mới, tư tưởng và những lời dạy quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho Thủ đô Hà Nội đã và đang tiếp tục là ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng, là định hướng cơ bản, quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, toàn dân và toàn quân Hà Nội xây dựng Thủ đô xã hội chủ nghĩa ngày càng hạnh phúc và phồn vinh.