Trong số đó, có đến 25 (chiếm trên 50%) trường hợp nguyên đơn thắng kiện và bị đơn phải điều chỉnh hoặc gỡ bỏ toàn bộ biện pháp tự vệ áp dụng đối với hàng hoá của nguyên đơn. Vụ kiện “Mỹ - Các biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu” được xem là tranh chấp có quy mô lớn, tính chất phức tạp và thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Áp dụng biện pháp tự vệ và cái kết không như mong muốnNgày 28/6/2001, Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Mỹ (United States International Trade Commission - USITC) đã khởi xướng điều tra tự vệ theo đề nghị của Cơ Quan Đại Diện Thương Mại Mỹ (United States Trade Representative - USTR) nhằm xác định liệu có hay không tình trạng gia tăng các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa.
Ngày 5/3/2002 sau khi kết thúc cuộc điều tra, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố quyết định áp dụng biện pháp tự vệ (tăng thuế quan nhập khẩu) đối với 15 mặt hàng thép theo khuyến nghị của USITC. Công bố này ngay lập tức gây chú ý và Mỹ phải đón nhận làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia thành viên.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Chỉ hai ngày sau khi quyết định tự vệ của Mỹ được công bố, Liên minh Châu Âu đã đệ đơn kiện Mỹ theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (mã vụ kiện: DS248), cáo buộc Mỹ vi phạm quy định tại Điều XIX:1 Hiệp định Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994); Điều 2.1, 3.1, 4.1(c), 4.2, và 5.1 Hiệp định về các biện pháp tự vệ 1995.
Chưa đầy ba tháng sau ngày công bố quyết định tự vệ của Mỹ, bảy nước khác cũng đồng loạt đệ đơn khởi kiện Mỹ vì đã áp dụng biện pháp tự vệ khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ 1995, cụ thể bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Sỹ, Na Uy, New Zealand và Brazil.
Sau hơn một năm xem xét vụ việc, Ban hội thẩm (Panel) của WTO đã ban hành báo cáo dưới dạng một tài liệu gồm tám báo cáo thành phần liên quan đến tám vụ kiện độc lập nêu trên. Bản báo cáo phân tích cụ thể các điều kiện mà quốc gia nhập khẩu phải đáp ứng để được áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định của WTO, đối chiếu các quy định đó với trường hợp cụ thể của Mỹ và chỉ ra những điều kiện mà Mỹ không thoả mãn, đặc biệt là các điều kiện về sự phát triển không lường trước được và về mối quan hệ nhân quả của việc gia tăng hàng nhập khẩu và thiệt hại mà nền sản xuất nội địa của Mỹ đã hoặc sẽ phải gánh chịu.
Dựa trên kết quả phân tích này, Ban hội thẩm đã đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO yêu cầu Mỹ phải điều chỉnh các biện pháp tự vệ để đảm bảo phù hợp với các nghĩa vụ mà nước này đã cam kết với tư cách là một thành viên của GATT 1994 và Hiệp định về các biện pháp tự vệ 1995.
Ngày 11/8/2003, Mỹ thông báo ý định kháng cáo về các vấn đề pháp lý và giải thích pháp luật trong báo cáo của Ban hội thẩm. Sau ba tháng thụ lý và xem xét vụ việc, Cơ quan Phúc thẩm đã ban hành báo cáo theo hướng tán thành kết luận cuối cùng của Ban hội thẩm, cho rằng các biện pháp tự vệ mà Mỹ áp dụng đã vi phạm các quy định của WTO.
Tại cuộc họp ngày 10/12/2003, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban hội thẩm do Cơ quan Phúc thẩm sửa đổi. Cũng trong cuộc họp này, Mỹ thông báo với các thành viên rằng vào ngày 4/12/2003, Tổng thống Mỹ đã ban hành tuyên cáo xóa bỏ tất cả các biện pháp tự vệ được nêu trong vụ kiện theo quy định tại Mục 204 của Bộ luật Thương mại Mỹ 1974.
Đòi hỏi sự cân nhắc và thận trọng Vụ kiện “Mỹ - Các biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu” là ví dụ tiêu biểu cho hậu quả pháp lý mà quốc gia nhập khẩu phải gánh chịu khi áp dụng biện pháp tự vệ mà chưa thể chứng minh một cách thuyết phục về việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện tự vệ theo quy định của WTO. Gần đây, trong cuộc họp của Uỷ ban Tự vệ Thương mại của WTO (the WTO’s Safeguards Committee) ngày 24/10/2016, các quốc gia thành viên đã có ý kiến quan ngại về việc có sự gia tăng số lượng các quốc gia, trong đó có Việt Nam tăng cường sử dụng biện pháp tự vệ, đặc biệt với mặt hàng thép, điều này ảnh hưởng tới mọi quốc gia xuất khẩu. Vì vậy các quốc gia thành viên cũng kêu gọi nên cân nhắc sử dụng các biện pháp phòng vệ khác như chống bán phá giá để xử lý các nhà sản xuất thép cụ thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Với tư cách là thành viên của sân chơi thương mại toàn cầu WTO, Việt Nam tất yếu có nghĩa vụ tôn trọng và tuân thủ GATT 1994 cũng như Hiệp định về các biện pháp tự vệ 1995. Trong trường hợp Việt Nam sử dụng quyền tự vệ một cách tùy tiện khi chưa có sự chứng minh và giải thích tường tận về mọi điều kiện mà luật pháp quốc tế đã thiết lập, Việt Nam sẽ có thể phải đối diện với hàng loạt khó khăn khi bị nước khác khởi kiện vì biện pháp tự vệ thường áp dụng toàn cầu cho mọi quốc gia xuất khẩu, và điều cần lưu ý là khả năng nguyên đơn thắng kiện là khá cao theo số liệu thống kê dẫn chiếu ở trên, dẫn đến vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng cũng như các thiệt hại tiềm ẩn về kinh tế khi bị các nước yêu cầu có biện pháp bồi hoàn.