Từ vụ tai nạn tại chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân: Cảnh báo an toàn nhà chung cư

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận lại được phen “tá hỏa” khi vụ việc một bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 13 xuống mái tôn tầng 1 tại tòa nhà chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) vào chiều 28/2.

Mặc dù điều thương tâm đã không xảy ra nhưng không phải lúc nào thần chết cũng "ngủ quên" như thế. Một lần nữa câu chuyện về quy chuẩn, chất lượng công trình tại mỗi tòa chung cư cao tầng lại được nhắc đến nhưng bên cạnh đó cũng phải đề cập đến trách nhiệm của các bậc phụ huynh khi trong nhà có con nhỏ.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Chiều 28/2, tại tòa nhà chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra một sự việc hy hữu, khi anh Nguyễn Ngọc Mạnh trú ở thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) đã cứu sống một bé gái 3 tuổi rơi tự do từ tầng 13 của tòa nhà xuống mái tôn tầng 1. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán nạn nhân chỉ bị trật khớp háng, xét nghiệm lâm sàng chưa có dấu hiệu bất thường.
 Hiện trường nơi xảy ra vụ bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng.
Qua sự việc chiều 28/2, dư luận lại dấy lên nhiều nỗi băn khoăn đối với những gia đình đang sinh sống ở các tòa nhà chung cư cao tầng. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố như thế. Trước đó, ngày 1/8/2007, một bé trai 4 tuổi rơi từ lan can tầng 11 nhà số 9B khu bán đảo Linh Đàm xuống đất. Ngày 14/6/2013 tại khu nhà No 9B, Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm một bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 11 mắc vào ô văng tầng 2 của khu nhà. Ngày 11/8/2015, một bé trai hơn 7 tuổi rơi từ lan can tầng 10 chung cư NƠ4A ở bán đảo Linh Đàm xuống đất... điều đáng tiếc là những trường hợp này không may mắn qua khỏi. Khoảng giữa tháng 7/2016, tại tòa nhà Rainbow Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, một cháu bé 6 tuổi rơi từ tầng 11 xuống tầng 2 tử vong. Gia đình của nạn nhân sống trên tầng 11, tiếp giáp với giếng trời không được lắp lưới an toàn nên khi cháu bé leo lên cửa sổ chơi thì bị ngã.

Sự việc này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà còn ở nhiều TP khác, như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng... Như tại TP Hồ Chí Minh, ngày 6/7/2018, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 7 của một chung cư trên địa bàn TP xuống đất trong tình trạng đa chấn thương. Bé gái ở nhà cùng mẹ nhưng ra ban công chơi và trèo qua lan can rơi xuống đất.

“Sự việc xảy ra tại chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) tuy không xảy ra sự cố đáng tiếc nhưng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho sự bất cẩn của những gia đình có con nhỏ đang sinh sống tại các tòa nhà chung cư cao tầng ở những đô thị lớn hiện nay” – KTS Trần Huy Hoàng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay.

Theo một số kiến trúc sư, một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng trên là xuất phát từ việc căn hộ chung cư không lắp đặt phương án đảm bảo an toàn. Vì vậy, các gia đình đang sinh sống ở chung cư, nhất là những gia đình có con nhỏ cần chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trách nhiệm của cả gia đình và xã hội

Năm 2008, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - Nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe (QCXDVN 05 : 2008/BXD). Theo quy chuẩn này, lan can phải đạt tiêu chuẩn: Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo các yêu cầu sau: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 - 1,1m. Tuy nhiên, thực tế không ít chủ đầu tư phớt lờ quy định. Nhà cao từ 9 tầng trở lên, để tiết kiệm diện tích dành xây dựng phòng khách hay nhà bếp, thay vì thiết kế lô gia, nhiều chủ đầu tư chọn phương án xây dựng ban công đưa ra ngoài.

Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, trước hết nhìn nhận về chỉ số an toàn, các dự án chung cư đều được chủ đầu tư thiết kế lan can cao ngang ngực người lớn, tức là cao khoảng 1,1 – 1,4m, xét về quy chuẩn thì đảm bảo được yêu cầu. Nhưng một số chung cư lan can bị thiết kế lỗi, khe hở quá to khiến trẻ em vẫn chui lọt hoặc cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ. “Ngoài ra, có nhiều chung cư thiết kế lan can có tay vịn nên trẻ nhỏ cũng dễ dàng bắc ghế hoặc kê một đồ vật nào đó để chèo qua” – KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Chiếu theo quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng của Bộ Xây dựng thì những tòa nhà được thiết kế chiều cao từ 6 tầng trở lên chỉ được làm lô gia chứ không được làm lan can. Nhưng quy chuẩn này đang bộc lộ nhiều bất cập, vì mới quy định chung chung chứ chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về những thông số kỹ thuật, an toàn cho các loại lan can, lô gia. Theo nhiều ý kiến, những công trình không đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn trong xây dựng là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị xây dựng và phải có chế tài xử phạt thật nặng nếu sai quy định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để xảy ra sự cố này không chỉ là trách nhiệm của riêng cơ quan quản lý, chủ đầu tư mà chính các gia đình cũng phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho con nhỏ. Theo đó, đối với những gia đình có con nhỏ, bố mẹ hay người giám sát, chăm sóc phải luôn theo dõi gần gũi để đảm bảo an toàn cho trẻ, đặc biệt là không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình. “Để hạn chế những tai nạn thương tâm xảy ra đối với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên lắp lưới an toàn cho hệ thống lan can, ban công, cửa căn hộ. Nếu ở tầng cao, không được để bàn, ghế, tủ... hay những vật dụng mà trẻ có thể trẻ leo lên” – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Rà soát, kiểm tra an toàn lan can, cửa sổ chung cư

Chiều 1/3, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương thông tin, trước sự việc xảy ra tại chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, ngay trong sáng 1/3, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương có khu chung cư cao tầng trên toàn TP rà soát, kiểm tra ngay sự an toàn của các lan can, cửa sổ chung cư, không để xảy ra trường hợp tương tự.


"Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, ban công chỉ được làm đến tầng thứ 6; từ tầng thứ 7 trở lên chỉ được phép làm lô gia. Đối với những chung cư trên 30 tầng trở lên, có nên cho mở lô gia và ban công không và phải đáp ứng những điều kiện gì? Đây là vấn đề cần phải tính toán trong quy chuẩn xây dựng chung cư nhà cao tầng tại Việt Nam." - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu


"Các nước trên thế giới có hệ thống văn bản luật về thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng chung cư, nhà cao tầng rất chặt chẽ. Vì thế, Việt Nam cũng cần sớm có những quy định càng cụ thể, rõ ràng càng tốt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân ở các khu chung cư cao tầng." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Hoàng Quang Huy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần