70 năm giải phóng Thủ đô

Từ vụ thanh sắt công trình xây dựng rơi xuống đường: Ai chịu trách nhiệm mạng sống của người dân?

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 27/9, thanh sắt lớn dài hơn 50m từ công trường dự án trên đường Lê Văn Lương bất ngờ rơi xuống đường vào giờ cao điểm khiên 1 người tử vong gây xôn xao dư luận.

Người dân thêm một lần bàng hoàng về tình trạng mất an toàn lao động tại vô số cao ốc mọc lên sát các trục đường lớn. Giới chuyên gia thực tế hơn khi đặt câu hỏi: “Trách nhiệm khi xảy ra sự cố chết người, thuộc về ai?”.
Công trình xây dựng Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê (lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính).
Những cái chết… từ trên cao
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, qua hình ảnh của người đi đường và báo chí ghi lại, công trình đang thi công không có lưới che chắn. Do đó, vụ việc này vi phạm quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công, xây dựng công trình, không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công.
Vị luật sư này nhấn mạnh, trách nhiệm sẽ thuộc về chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị giám sát thi công, nhà thầu hay cá nhân cụ thể phụ thuộc vào kết quả điều tra. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 298 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) hoặc Tội Vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS).
Theo đó, đối với tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm tùy theo mức độ, tính chất. Đối với tội Vô ý làm chết người, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, người này còn phải chịu trách nhiệm dân sự (đền bù tổn thất tinh thần, ma chay, cấp dưỡng, ...) cho gia đình người bị hại.
“Căn cứ Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật” - luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Hiện trường thanh sắt rơi xuống đường khiến 1 người tử vong nằm trên đường Lê Văn Lương.
Trong một diễn biến liên quan, cũng tại cung đường Lê Văn Lương - Tố Hữu kéo dài, theo phản ánh của người dân, dự án RomanPlaza (chủ đầu tư Tập đoàn Hải Phát) từng ghi nhận tình trạng các thanh sắt dài rơi từ công trường xuống đường. Cá biệt vào tháng 10, 2 thanh sắt từ dự Golden Palm (chủ đầu tư Công ty CP Phát triển đầu tư Hà Nội - Sunrise HDIS) rơi xuống điểm chờ xe buýt và xuyên qua thủng mái nhà dân. Những vụ việc này tuy không gây  thiệt hại về người nhưng sự tắc trách của đơn vị thi công khiến người dân vô cùng bức xúc.
Sở Xây dựng cần tích cực vào cuộc
Vụ việc chiều 27/9, một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại Hà Nội nói riêng cũng như tại các TP trên cả nước nói chung. Báo Kinh tế & Đô thị tiến hành phỏng vấn các chủ phương tiện giao thông hàng ngày di chuyển qua những tuyến đường chính hiện hữu dày đặc các dự áo cao ốc chọc trời như: Lê Văn Lương (Tố Hữu kéo dài); Nguyễn Xiển, Minh Khai, Vĩnh Tuy…, câu trả lời mà phóng viên nhận được đều có mẫu số chung: Nơm nớp “lưỡi hái tử thần” từ trên cao “hạ” xuống.
Thậm chí, không ít người dân còn thở dài: “Mỗi sáng, mỗi chiều đi qua con đường này, không rõ số phận mình sẽ ra sao? Có một số ít người thì chọn giải pháp đi đường vòng, đành tìm một con đường khác dù xa hơn vài cây số để đến cơ quan. Nghịch lý ở chỗ, hầu hết các tuyến đường được liệt kê ở trên đều là các tuyến đường huyết mạch, nên đôi khi cũng phải tặc lưỡi… đi qua. Trong khi, những sự cố sơ suất công trình chưa có dấu hiệu dừng lại, rất khó để tưởng tượng những hậu quả nghiêm trọng ra sao sẽ tiếp diễn ở thì tương lai.
Ở góc độ chuyên môn, theo giới chuyên gia, tương tự như công bố các công trình vi phạm PCCC, cơ quan quản lý chịu trách nhiệm như: Sở Xây dựng, chính quyền địa phương cần tích cực kiểm tra và công khai các dự án xem nhẹ công tác an toàn lao động, chấp hành không đầy đủ quy định pháp luật về an toàn trong quá trình thi công. Thực tế, không ít công trình trên địa bàn Hà Nội đã và đang sử dụng các nhà thầu thi công không có chứng chỉ năng lực hoạt động thi công xây dựng công trình theo quy định của Nghị định 42/2017/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng.
Dự án xảy ra vụ tai nạn vào ngày 27/9 có tên đầy đủ “Trung tâm Thương mại và văn phòng cho thuê” tại vị trí Lô đất 4.6NO, đường Lê Văn Lương - Nhân Chính - Thanh Xuân. Chủ đầu tư Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai. Đơn vị thi công Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ. Nguyên nhân sự cố do trục hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) bị tuột ra khỏi bộ phận phân đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương.