Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ vụ việc chùa Ba Vàng: Khi tín ngưỡng bị trục lợi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cụm từ “chùa Ba Vàng” trở thành một trong những từ khóa tìm kiếm cao nhất trên thanh công cụ google trong 3 ngày vừa qua.

Công chúng có thể tìm kiếm được gần 39 triệu kết quả liên quan đến vụ việc ở chùa Ba Vàng. Đi ra đường, trên mạng facebook, những từ chế liên quan đến kiếp trước, cúng vong… cũng được thể hiện một cách khôi hài và mỉa mai. Tất cả đều xuất phát từ hành động ngang nhiên truyền bá về “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” của Đại đức Thích Trúc Thái Minh - sư trụ trì chùa Ba Vàng.
Rúng động chùa Ba Vàng
Trước đó báo Lao Động có phản ánh nêu câu chuyện “Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ” cho biết cứ đến ngày mồng 8 (âm lịch) hằng tháng, không chỉ diễn ra khóa tu “Bát quan trai giới”, còn là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu. Đã thành lịch cố định, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oán hồn gây ra. Muốn thoát nạn thì buộc phải "trả nợ" cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Đáng nói, hoạt động này đã công khai diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng, một cơ sở thờ tự lớn và rất nổi tiếng ở phía Bắc.
 Chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh.
Tối 21/3, Đại đức Thích Trúc Thái Minh cùng ban trị sự của chùa đã tổ chức buổi pháp thoại với khoảng 1.000 phật tử tham dự để thông tin liên quan đến phản ánh của báo chí về hoạt động của chùa. Buổi pháp thoại được truyền hình trực tiếp trên trang web, trang YouTube và mạng xã hội Facebook của chùa.
Tại buổi pháp thoại,Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng nhân duyên đã đưa đến việc báo Lao Động có bài phản ánh về một số hoạt động của chùa. Ngoài việc động viên các phật tử giữ sự tinh tấn, kiên nhẫn, trụ trì chùa Ba Vàng trích dẫn nhiều nội dung trong "giáo lý" nhà Phật để nói về vấn đề tâm linh, oan gia trái chủ... Tiếp đó là chia sẻ của những người đã trực tiếp trải qua quá trình tu tập, bị “oan gia trái chủ” và được các sư thầy trong chùa chỉ dẫn giúp thoát khỏi bệnh tật, đau ốm...
Không chỉ truyên truyền “vong báo oán” trong các bài giảng pháp, trên trang web chính thức của chùa Ba Vàng (chuabavang.com.vn) còn dành riêng một chuyên mục “Thỉnh oan gia trái chủ”. Chuyên mục này đăng tải hàng trăm bài viết được cho là của các phật tử cảm nhận, chia sẻ và hết lời khen ngợi về pháp độ của nhà chùa.
Trong hàng loạt các video được đăng tải trên mạng xã hội và cả những kênh thông tin của chùa Ba Vàng, người liên tục rao giảng về việc “vong báo oán” là bà Phạm Thị Yến - chính người phụ nữ trực tiếp ra giá cho mỗi lần gọi “vong”. Trong nhiều lần thuyết giảng về “vong báo oán” đều có mặt Đại đức Thích Trúc Thái Minh, sư trụ trì chứng kiến.
Làm giàu từ tâm linh
Theo lời Đại đức Thích Trúc Thái Minh trong buổi pháp thoại tối ngày 21/3, hiện nay chùa Ba Vàng có tới hơn 1.500 phật tử tin vào Tam Bảo ở chùa Tam Vàng, làm công quả, thực hiện các buổi thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ. Cho dù Đại đức Thích Trúc Thái Minh cho rằng ông làm vì công chúng, vì đất nước, không trục lợi, nhưng số tiền thu được có thể lên tới hàng chục tỉ, trăm tỉ… và nhà chùa sử dụng tiền vào các mục đích gì cũng không được công khai làm rõ.
Sáng 21/3, báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, Quảng Ninh Phạm Tuấn Đạt cho biết, chiều ngày 20/3, TP đã tổ chức đoàn công tác làm việc với chùa Ba Vàng. Tại đây, Trụ trì chùa Ba Vàng đã công nhận và khẳng định: Việc tổ chức cúng oan gia trái chủ có dựa theo giáo lý của nhà Phật. Việc cúng tiền khi lễ cúng oan gia trái chủ không phải là do Nhà chùa yêu cầu mà do Phật tử tự nguyện cúng dường tam bảo và theo yêu cầu của vong… Trong khi đó, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng: “Phật dạy chuyển nghiệp bằng tu nhân tích đức, làm việc thiện lành, tạo thiện căn, duyên tốt để chuyển hóa được nghiệp. Không hề có chuyện thỉnh vong hay giải oan nghiệp gì cả. Đức Phật không hề dạy chuyện như việc chùa Ba Vàng đang thực hiện”.
Biết và làm ngơ
Tình trạng thỉnh vong thu tiền đã manh nha diễn ra tại chùa từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, trước đó, ngày 26/5/2015, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 125/CV-BTS cảnh báo chùa Ba Vàng đang áp dụng “thanh quy tu học chùa Ba Vàng”.
Trong thanh quy chùa Ba Vàng có nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam. Cụ thể như, mỗi ngày ăn một bữa, nửa tháng tắm một lần, mặc y pháp thường xuyên 24/24 giờ trong ngày. Các vị sư tăng đều vào rừng (gốc cây) tu học, ngủ, nghỉ trong 49 ngày đêm kể cả mưa nắng. Nằm ngủ dưới đất. Tịch thu y pháp của các vị Tỳ khiêu ni (tu nữ) - mặc dù y pháp đã được Hội đồng truyền giới của Giáo hội truyền thụ hợp pháp.
Đặc biệt, dư luận quần chúng Nhân dân phản ánh các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng phật tử tên Yến, cư trú tại Hạ Long thường xuyên khuyên hóa Nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng phật pháp, sau khi đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng, giáo hóa cho Tăng Ni, phật tử nghe…
Vì những lý do trên, thời gian qua có khoảng 40 vị Tăng Ni chùa Ba Vàng không chấp nhận quy định mới này đã xin xuất chúng bỏ đi. Tình hình trên đã dẫn đến nội bộ Tăng Ni chùa Ba Vàng rối loạn, phật tử và quần chúng nhân dân bức xúc, có nhiều phản ứng không tốt, ảnh hưởng chung đến Phật giáo Quảng Ninh.
Trả lời phóng viên sáng 22/3, Đại đức Thích Đạo Hiển - Phó trưởng Ban trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, xác nhận, thời điểm 2015 ông đã ký công văn này và gửi đi, ngoài việc báo cáo còn là để tìm biện pháp điều chỉnh phù hợp với truyền thống Phật giáo, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo nói chung và Phật giáo tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, sau đó không ai có trao đổi gì và sự việc không giải quyết được, mới dẫn đến câu chuyện mà báo chí phản ánh ở chùa Ba Vàng ngày hôm nay.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, tình trạng vi phạm ở các cơ sở tôn giáo đang càng ngang nhiên xảy ra, nhưng cơ quan Nhà nước thiếu các động thái quyết liệt để giải quyết vấn đề này. Một chuyên gia cho rằng, để xử phạt được các cơ sở tôn giáo phải chờ vào rất nhiều các quy định, có thể áp theo quy định xử phạt an ninh trật tự nếu có tình trạng gây rối, có thể xử lý theo các quy định của văn hóa về việc truyền bá các tư tưởng độc hại, mê tín dị doan.
Nhưng cụ thể là chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đang trong quá trình dự thảo. Chính vì vậy, những hiện tượng mang tính chất kinh doanh tín ngưỡng như ở chùa Ba Vàng, hay nghi lễ dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh… sẽ còn có cửa tồn tại, chưa biết đến bao giờ mới được dẹp yên.

Ngày 22/3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản gửi UBND TP Uông Bí xung quanh thông tin liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng. Văn bản nêu rõ: Trong nghi lễ truyền thống Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam khi thực hiện nghi lễ cho vong linh người đã mất có các nghi thức: Tiếp Linh, Cúng Phật, Cúng Tổ, Triệu Linh, Tụng Kinh Cầu Siêu, Chúc Thực. Hoạt động “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh không được chứng kiến nên chưa biết hình thức và nội dung thực hiện như thế nào. Điều quan trọng không phải là duy danh ngôn ngữ mà phải biết nghi lễ ấy được thực hiện với hình thức và nội dung như thế nào.

Theo Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN và các quy định khác của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm. Nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức Triệu Linh và nghi thức “lập đàn cúng giải oan thích kết”…

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của Phật tử, Nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi. Đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, nếu bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm trước quy định của pháp luật.


Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc ở độ cao hơn 300m trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Tương truyền chùa có từ thời vua Lệ Dụ Tông (1706) và đã nhiều lần được tôn tạo lại trên nền phế tích xưa. Năm 2007, đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì. Năm 2011, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức, mở rộng quy mô lên nhiều lần và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2).


“Theo quy định pháp luật, hoạt động tổ chức truyền bá mê tín dị đoan hoàn toàn không được phép. Vì vậy, việc bà Phạm Thị Yến tổ chức rao giảng như vậy trong chùa cần phải xem xét xử lý vi phạm. Nếu đúng có việc truyền bá mê tín dị đoan thu hàng trăm tỉ đồng như báo nêu thì xem xét ở góc độ hình sự chứ không phải ở mức độ hành chính...”. - Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Cao Thái.


“Hiện tượng gọi hồn là hành động mê tín dị đoan không gắn với giáo lý nhà Phật. Để xảy ra hiện tượng thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ là đã bôi nhọ giáo lý nhà Phật, thực sự đó là hiện tượng mê tín dị đoan, không đúng với tinh thần, truyền thống Việt Nam. Đến với ngôi chùa, chữ Phật trong đó có nghĩa là trí tuệ. Đối với chúng sinh đến chùa để làm điều thiện trên nền tảng trí tuệ Phật. Nhà sư lấy tiền của dân chỉ làm công đức và làm có lợi cho dân. Lấy tiền của dân để làm giàu thì chùa càng đẹp về hình thức bao nhiêu thì Tăng càng gần với trần tục và không đi đến chỗ giải thoát được”. - GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian.