Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, qua vụ kiện này, đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước cần có một cái nhìn khác về Grab chứ không nên chỉ hướng theo góc độ có lợi cho người tiêu dùng
Nên sớm định danh GrabPhán quyết của TAND TP Hồ Chí Minh trong vụ kiện giữa Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) vào cuối năm 2018 vừa qua vẫn chưa hết sức nóng. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nay, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều liên quan đến vụ kiện giữa Vinasun và Grab.
TS Ngô Trí Long đánh giá, dù số tiền 4,8 tỷ đồng mà Grab phải bồi thường cho Vinasun là rất nhỏ so với con số 41,2 tỷ đồng theo đề nghị của DN vận tải taxi truyền thống đưa ra nhưng dù sao với việc thắng kiện này đã chứng minh quan điểm của Vinasun là đúng. Điều này hoàn toàn có thể tạo ra tiền lệ sẽ có nhiều hãng taxi truyền thống tiếp tục kiện Grab trong thời gian tới”- TS Ngô Trí Long nói.Về phán quyết của tòa án khi cho rằng Grab đã vi phạm pháp luật Việt Nam và hoạt động của Grab là kinh doanh vận tải, chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá, dù phán quyết này có thể là tiền đề giúp các cơ quan có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh vận tải nhưng khách quan mà nói, đây chỉ là một quan điểm để tham khảo. Bởi tòa án vốn không phải là đơn vị có đủ thẩm quyền để phán xét một mô hình nào đó có phải là kinh doanh vận tải hay không. “Nói như vậy không có nghĩa là vì lợi ích của người tiêu dùng mà làm thui chột các hãng taxi truyền thống. Theo tôi, vấn đề quan trọng ở đây là hiện chúng ta chưa định danh được bản chất mô hình hoạt động của Grab” - TS Ngô Trí Long nói và nhận định, vấn đề định danh Grab sẽ được giải quyết khi dự thảo Nghị định 86 sửa đổi và Luật Giao thông đường bộ sửa đổi chính thức được thông qua.Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, việc Vinasun thắng kiện Grab sẽ không tạo ra tiền lệ để các hãng taxi truyền thống tiếp tục khởi kiện Grab trong thời gian tới. “Taxi truyền thống kiện Grab không phải vì mục đích lấy tiền bồi thường. Chính những sai phạm của Grab trong thời gian qua đã khiến cho nhiều hãng taxi truyền thống bị phá sản, số còn lại thì phải sáp nhập. Phán quyết của tòa án vừa qua sẽ giúp các DN taxi truyền thống vững tin hơn vào tính công minh của pháp luật” - ông Hùng nói.Nhìn theo hướng lợi ích quốc giaLuật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm tôn trọng phán quyết của TAND TP Hồ Chí Minh đồng thời đánh giá cao Vinasun khi là đơn vị tiên phong đấu tranh với “gã khổng lồ” Grab để bảo vệ quyền lợi và quyền tồn tại cho các hãng taxi truyền thống. “Vinasun đi kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không phải vì mục đích kiếm tiền từ Grab mà họ muốn chứng minh Grab đang làm những việc sai trái và hoạt động vi phạm pháp luật” - luật sư Tú nói. Chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng, từ vụ kiện của Vinasun với Grab đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết về một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng trong lĩnh vực vận tải hành khách ở nước ta, nhất là trong bối cảnh hội nhập với nhiều mô hình kinh doanh mới xuất hiện như hiện nay. “Chúng ta đang tiến một “bước dài” về xây dựng một Nhà nước pháp quyền mà ở đó các DN được kinh doanh bình đẳng, đúng pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật” - luật sư Tú nhấn mạnh thêm.Đồng quan điểm, luật sư Đoàn Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định tôn trọng quyết định của HĐXX trong vụ kiện giữa Vinasun và Grab. Tuy nhiên, luật sư Hướng nhìn nhận vụ kiện này theo một chiều hướng khác, đó và việc xác định lại cái nhìn đối với Grab theo hướng đặt lợi ích quốc gia và xã hội lên hàng đầu. Quan điểm này được đưa ra trong bối cảnh lâu nay chúng ta vẫn đang có cái nhìn Grab nói riêng và taxi công nghệ nói chung dưới góc độ có lợi cho người tiêu dùng. Tức là khuyến khích sự phát triển của những mô hình kinh doanh mới, với chất lượng dịch vụ được nâng cao nhờ nền tảng của công nghệ khoa học kĩ thuật, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đây là quan điểm không sai. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn Grab dưới góc độ có lợi cho người sử dụng mà chúng ta không nhìn loại hình taxi công nghệ này kỹ lưỡng về mặt lợi ích quốc gia và xã hội. “Taxi truyền thống phát triển vài thập kỷ mới có vài chục nghìn xe nhưng Grab, Uber trong vài năm đã có số lượng gấp đôi. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về thuế, phí và người lao động” - luật sư Hướng phân tích.q
"Nếu pháp luật Việt Nam chưa theo kịp với nền công nghệ đang ngày càng phát triển thì điều quan trọng là phải nhanh chóng điều chỉnh quy định pháp luật để theo kịp xu hướng mới, nếu không chúng ta sẽ luôn gặp vấn đề với những sản phẩm tiến bộ đi sau." - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu |