2 tuần qua đã cho thấy cách các chính phủ và truyền thông phương Tây nhìn nhận về cuộc xung đột ở Ukraine - một chiến trường được đối xử hoàn toàn khác biệt so với các chiến dịch khốc liệt không kém mà Mỹ và nhiều đồng minh châu Âu đã và đang triển khai ở những khu vực khác.
Phân biệt đối xử với người tị nạn
Trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đi đến giai đoạn của một cuộc leo thang quân sự toàn diện, dấy lên tinh thần phản đối chiến tranh trên toàn thế giới, nhiều người đã chỉ trích thái độ phân biệt chủng tộc của các chuyên gia và các phóng viên trên hầu hết các nền tảng báo chí của Mỹ và Anh - những người đã lên tiếng về một cuộc xung đột xảy ra ở Ukraine chỉ vì nước này gần với phương Tây và người tị nạn từ Ukraine là người da trắng.
Phóng viên của CBS tại Kiev, Charlie D'Agata, đã nói trên truyền hình: “Đây (thủ đô Kiev của Ukraine) không giống như ở Iraq hoặc Afghanistan, những nơi đã chứng kiến xung đột bùng phát trong nhiều thập kỷ... Đây là một thành phố tương đối văn minh, tương đối châu Âu... nơi bạn sẽ không nghĩ rằng (chiến tranh) sẽ xảy ra”. Nhiều người trên mạng xã hội tố cáo D'Agata đang ám chỉ xung đột ở một quốc gia châu Âu “văn minh”, khác với các cuộc xung đột ở một quốc gia Tây Á không văn minh hay thấp kém hơn.
“Cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan là một chiến dịch do Mỹ phát động. Và khi nói đến nền văn minh, hãy nhớ rằng người Iraq đã giảng cho thế giới nghe về khoa học và đại số vào thời điểm mà những người ở phương Tây vẫn còn sơn mặt và sống trong rừng”, một tài khoản Twitter đã bình luận dưới bài đăng lại video phát ngôn của phóng viên CBS Charlie D'Agata.
Theo dữ liệu do Liên Hợp quốc (LHQ) công bố hôm 6/3, số người đã phải rời bỏ nhà cửa để tránh xung đột tại Ukraine đến nay là hơn 1,5 triệu người, dự kiến có thể lên tới con số 4 triệu. Nhà báo Daniel Hannan viết cho tờ báo bảo thủ hàng đầu của Anh, Telegraph, đã bình luận rằng ông “bị sốc” vì những người tị nạn “có vẻ ngoài rất giống chúng tôi”.
Trong khi phóng viên Hallie Cobiella của NBS tỏ ra rõ ràng hơn: “Nói trắng ra, đây không phải là những người tị nạn từ Syria, đây là những người tị nạn từ Ukraine, họ là những người theo đạo Thiên chúa, họ là người da trắng, họ rất giống chúng tôi”. Liệu lời nhận xét này có thể được hiểu: Nếu người tị nạn là người Syria và không phải là người da trắng theo đạo Cơ đốc, thì họ không thực sự quan trọng trên thế giới này?
Một bình luận viên của BBC thâm chí đã nâng quan điểm độc hại này lên một mức độ khác khi nói rằng: “Tôi đã rất xúc động khi thấy những người châu Âu với đôi mắt xanh và mái tóc vàng bị giết”. Tồi tệ hơn là người dẫn chương trình của BBC đã không có bất cứ phản biện nào đối với bình luận này. Một người dẫn tin khác là Peter Dobbie thì như cố gắng “quảng cáo” về những người tị nạn Ukraine thông qua vẻ ngoài của họ. Ông mô tả: “Đây là những người thuộc tầng lớp trung lưu, thịnh vượng. Đây rõ ràng không phải là những người tị nạn đang cố gắng rời khỏi Trung Đông… hay Bắc Phi. Họ trông giống như bất kỳ gia đình châu Âu nào sống bên cạnh các bạn”.
Rasmus Stoklund, phát ngôn viên nhập cư của chính phủ Dân chủ Xã hội Đan Mạch, gần đây đã đề xuất rằng những người tị nạn Ukraine có thể được miễn các luật cho phép chính quyền thu giữ tài sản của những người tị nạn Syria và Iran. Các luật gây tranh cãi này quy định rằng những người xin tị nạn mới được phép giữ tài sản trị giá tới 10.000 krone Đan Mạch (1.468 USD), nhưng bất cứ thứ gì có giá trị cao hơn con số đó đều có thể bị nhà nước thu giữ để chi trả cho thời gian họ ở lại đất nước.
Sự phân biệt chủng tộc trong một cuộc xung đột là điều đáng buồn. Nhưng đáng lo hơn là khi những quan điểm cho rằng một cuộc xung đột bên trong châu Âu là đáng báo động, vì mặc định chiến tranh chỉ xảy ra ở các nước kém văn minh, trở nên phổ biến. Phần lớn trong số các cuộc chiến bên ngoài châu Âu lúc này xảy ra ở Tây Á và châu Phi - kết quả từ những âm mưu địa chính trị và chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của các “ông lớn” phương Tây, thay vì là bất cứ ý chí nào của người dân vô tội.
Tiêu chuẩn kép
Truyền thông Anh, Mỹ đã hết lời ca ngợi những người Ukraine chiến đấu chống lại lực lượng Nga, cả trên kênh chính thống lẫn mạng xã hội. Sự ủng hộ quyết liệt và bất chấp này đã tạo ra không ít “fake new” về cuộc xung đột ở Ukraine, cũng phần nào cho thấy sự phân biệt đối xử của những cỗ máy tuyên truyền phương Tây đối với các cuộc chiến tương tự diễn ra ở Trung Đông và châu Phi trong thập kỷ qua.
Chẳng hạn, một đoạn video quay cảnh một cô gái Palestine đối đầu với một binh sĩ Israel đã không được chú ý trong suốt 10 năm, cho đến khi các phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải lại và tuyên bố rằng cô ấy là người Ukraine đứng trước binh lính Nga, chỉ vì cô ấy tóc vàng và da trắng. Hay việc nhà báo CNN Bernie Gores - người từng được cho đã bị Taliban hành quyết ở Afghanistan - gần đây cũng được “giật tít” là người Mỹ đầu tiên chết ở Ukraine, trong khi ông vẫn còn sống.
Một phương Tây có tầm ảnh hưởng trước nay luôn nhấn mạnh quan điểm rằng thế giới nên tách biệt thể thao khỏi chính trị, vì vậy việc vẫy cờ Palestine đã bị cấm tại các sân vận động bóng đá của Anh. Trong khi những ngày qua, giương cờ Ukraine đang trở thành một nghi thức khởi động trận đấu, được truyền phát trực tiếp tại các sân vận động bóng đá trong khuôn khổ Ngoại hạng Anh.
Đã có những lời kêu gọi trục xuất người Nga sở hữu cổ phần trong các đội bóng Anh, khiến tỷ phú Roman Abramovich sở hữu câu lạc bộ Chelsea phải rút lui khỏi quyền quản lý và rao bán đội bóng. Trong khi Ả Rập Saudi, quốc gia đã tấn công Yemen trong 7 năm qua và giết chết nửa triệu người Yemen, trong đó có 80.000 trẻ em, đang sở hữu 2 câu lạc bộ bóng đá ở Anh.
Liên minh châu Âu (EU) - thường tuyên bố là ủng hộ và đề cao tự do ngôn luận - đã cấm truyền thông Nga, có nghĩa là người dân của họ sẽ chỉ được tường thuật về các sự kiện đang diễn ra ở Ukraine thông qua một lăng kính hạn chế. Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã tuyên bố sẽ ủng hộ tuyệt đối những người muốn đến Ukraine và chiến đấu, cho dù điều này là bất hợp pháp ở Anh.
Khía cạnh đáng lo ngại nhất của tất cả những điều này là phương Tây cũng đang bơm thêm vũ khí sát thương cho Ukraine - hành động đã kích thích phản ứng của Nga, sẽ chỉ kéo dài xung đột. Nói cách khác, thay vì đưa ra các sáng kiến hòa bình thì dường như cách phản chiến độc hại của phương Tây đang khiến cuộc xung đột ở Ukraine trở nên tàn khốc.
“Cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan là một chiến dịch do Mỹ phát động. Và khi nói đến nền văn minh, hãy nhớ rằng người Iraq đã giảng cho thế giới nghe về khoa học và đại số vào thời điểm mà những người ở phương Tây vẫn còn sơn mặt và sống trong rừng”, một tài khoản Twitter đã bình luận dưới bài đăng lại video phát ngôn của phóng viên CBS Charlie D'Agata.