“Tựa gối ôm cần”, thú chơi cũ mà "hot"

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưa hè đổ lửa hay đêm đông rét thấu xương – một khi đã ôm cần, dân câu cá có thể ngồi lỳ một chỗ cả chục tiếng đồng hồ. May mắn thì trúng cá khủng cả yến; nhưng “xôi hỏng - bỏng không” cũng là chuyện thường ngày…

Nghề của… đức tính kiên nhẫn

Phải thừa nhận rằng, dân câu cá (cần thủ) là những kẻ có đức tính kiên nhẫn phi thường. Dân gian có câu “nhanh như máy khâu, lâu như câu cá…”, câu được cá đã khó, săn được hàng khủng lại càng khó hơn. Với loài trắm đen (trắm ốc) khủng, có thể mất cả tháng trời “ăn không, ngồi rồi” may ra mới câu được một con… Để nhử loại cá tinh khôn này, người ta phải xay nhuyễn ốc, trộn với thính rang, đổ ốc tươi, tạo thành ổ để… dụ. Rồi ngồi im như tượng, ăn uống gọi là cho có bữa, cứ thế mai phục. Hôm nay chưa trúng, mai tiếp tục, tuần này chưa được thì tuần sau, thậm chí là tháng sau. 

Niềm vui khi câu được trắm đen khủng
Niềm vui khi câu được trắm đen khủng

Nhưng một khi câu được con trắm đen hàng yến, cảm giác thăng hoa chả khác gì cầu thủ ghi bàn. Cá trắm đen, câu ở hồ câu dịch vụ đã khó, ngoài tự nhiên thì… còn bằng lên trời, một cần thủ có thâm niên cho biết.

Suốt cả tháng nay, Quốc Thắng (một cần thủ ở làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) “ngồi đồng” ở hồ câu Phong Ba (thôn Trung Vực Ngoài, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ), mục đích là săn trắm đen khủng. Tuy nhiên đến hôm nay, chàng trai này mới giật được dăm chú trắm cỏ, chép, nheo, còn trắm đen vẫn vắng bóng. “Với tính cách như các bác, có đến đời mục thất mới “hạ” được trắm đen. Hồ này có loại trắm đen hàng yến, em sẽ cương quyết bắt bằng được”, trò chuyện với chúng tôi, Thắng nói.

Ông Phạm Kim Tám (chủ hồ câu Phong Ba) cho biết, hồ của ông đang có trên 70 con trắm đen, với trọng lượng mỗi con từ 9 kg trở lên. Sau hơn một tháng khai trương với hàng trăm lượt cần thủ, nhưng đến na, mới có 10 người câu được trắm đen – thứ mà người ta hay gọi vui là… thủy quái. 

Câu cá là thú chơi lành mạnh
Câu cá là thú chơi lành mạnh

Câu cá… công nghiệp

Hiện nay, ruộng đồng, sông ngòi nhiều nơi ô nhiễm, các loài cá trong tự nhiên ngày một hiếm. Vì vậy muốn câu cá, dân chơi phải tìm đến các hồ dịch vụ. Có cầu ắt có cung, vậy nên ở những huyện ven đô, đầm, hồ được người dân cải tạo lại, thả thêm cá, dịch vụ hồ câu mọc lên nhan nhản…Ngoài tự nhiên, loài trắm đen chỉ còn tồn tại ở những hồ lớn như Thác Bà, Hòa Bình, Sơn La. Còn hình ảnh trắm đen (đầy rẫy trên mạng xã hội), đều là loại nuôi tại những cơ sở chuyên nghiệp ở Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình; được các chủ hồ mua về thả, để phục vụ dân câu. Chủ hồ câu Alibaba Phạm Đức Hiệp (xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cho biết: “Từ khi đầu tư, hàng tháng em vẫn phải “bồi” thêm cá vào hồ; bởi từ  khi dịch Covid -19 bùng phát, lượng cần thủ tăng đột biến, mỗi ngày hồ câu Alibaba tiếp hàng trăm lượt cần thủ. Với những tay sát cá, việc họ câu được dăm, bảy con chép, nheo (với trọng lượng tầm 4 kg/con); nếu không “bồi” chỉ tầm vài tuần, có chăng cái hồ gần 8.000 m2 của em chỉ còn… nước”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ mình trắm đen, các loại cá “mồi” như trắm cỏ, chép lai, trê phi, lăng đen… tại những hồ câu đều được chủ bổ sung thường xuyên từ nguồn nuôi công nghiệp. 

Chủ hồ câu Alibaba Phạm Đức Hiệp đang "bồi" thêm cá vào ao.
Chủ hồ câu Alibaba Phạm Đức Hiệp đang "bồi" thêm cá vào ao.

Theo biểu giá tại những hồ câu mà chúng tôi tiếp cận, trung bình mỗi ca 300.000 đồng/5 giờ, 500.000 đồng/10 giờ. Nếu tính theo mức thu nhập bình quân của người lao động chân tay, giá mỗi ca câu cá bằng thu nhập của cả ngày lao động. Nhưng cái tốn nhiều nhất của dân câu cá chính là thời gian, bởi một khi đã đam mê thú chơi này mà chưa tóm được con nào, thì người ta có thể “ngồi đồng” cả ngày không biết chán. Chưa kể, một bộ đồ nghề câu cá (loại thường) giá chỉ vài trăm bạc, nhưng  những bộ “xịn” thì giá cả được tính bằng hàng trăm USD. 

Tuy nhiên, không phải cứ đồ “xịn” là giật được cá to, đôi khi những cần thủ sát cá chỉ dùng bộ đồ “cỏ” nhưng giật cá cứ vèo vèo. Nhưng “tiền nào của đấy”, loại cần bình dân cũng chỉ giật được những loại cá nhỏ; những loại lớn thuộc hàng “thủy quái" thì cần phải có “vũ khí” hiện đại với mong rê được cá lên bờ…

Kiếm tiền không dễ…

Trong tất cả các loại hình dịch vụ, “hầu” dân câu cá vừa nhàn, vừa mệt. Nhàn là bởi một khi đã vào “xới”, họ chỉ chú tâm đến việc làm sao để cá cắn câu, ăn uống chỉ cần qua quýt. Dân câu cá chuyên nghiệp có câu: “Vợ có thể một hai ngày không ngủ cùng, nhưng câu thì không thể. Làm ngày thì câu đêm - làm đêm thì câu ngày”! 

Một cần thủ vừa câu được chú chép lớn
Một cần thủ vừa câu được chú chép lớn

Mệt là ở chỗ, ban ngày thì không sao, nhưng ban đêm, có những cần thủ thức xuyên sáng; những lúc như vậy, chủ hồ cũng phải đồng hành để giám sát. Nội quy của tất cả chủ hồ chỉ cho phép cần thủ sử dụng loại cần đơn đài và lục, cấm tiệt loại ba tiêu, lăng xê và giật mạng. Cá ở các hồ câu dịch vụ đều là loại nuôi công nghiệp nên rất lười ăn. Nếu không giám sát cần thủ kỹ (họ dùng loại cần ba tiêu, lăng xê hoặc giật mạng) thì chẳng con nào thoát, chả mấy bữa mà sạch ao – chủ hồ câu Alibaba Phạm Đức Hiệp nói.

Theo tiết lộ của một chủ hồ câu, giá cá trắm đen (con từ 10 kg/1 con) hiện nay nhập vào ở mức 80.000 đồng/kg, mỗi tuần chỉ cần “bồi” mươi con (vì câu được giống cá này tương đối khó). Còn các loại chép, trắm cỏ… chỉ dao động trong khoảng  45.000 - 55.000 đồng/kg. Một hồ với diện tích cỡ 5.000m2 trở lên, mỗi tháng cần bổ sung vài tấn vì hồ càng nhiều cá, càng “hút” cần thủ. Mỗi ngày, chỉ cần có khoảng 30 cần thủ đến “ngồi đồng” (người ít nhất cũng 1 ca), số thu về đã là 9 triệu. Trừ chi phí mua cá, khấu hao các kiểu, cũng để ra đôi triệu. Đây là mức thu nhập rất đáng mơ của nhiều nghề. Chính vì thế, hiện nay dịch vụ câu cá đang “trăm hoa đua nở”. Để tạo ra sức hút với cần thủ, chủ hồ thường “đeo khuyên” cho những chú cá khủng. Nếu cần thủ nào câu được con có khuyên, coi như trúng độc đắc “kép” vì vừa được cá, vừa được thêm phần thưởng cỡ 500.000 đồng từ chủ hồ. 

Chủ hồ câu Phong Ba Phạm Kim Tám ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ tươi cười bên nội quy hồ câu
Chủ hồ câu Phong Ba Phạm Kim Tám ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ tươi cười bên nội quy hồ câu

Trên thế giới, nhiều nước coi câu cá là môn thể thao, còn ở xứ ta, từ xưa các cụ đã coi việc câu cá là để chiêm nghiệm sự đời. Ẩn sau sự câu cá, đôi khi là thời gian để người ta tư duy về nhân tình, thế thái, để thư thái sau những giờ phút căng thẳng bởi công việc… Âu đó cũng là một thú chơi lành mạnh.