Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội: Nhiều cơ hội cho DN

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành 2022 (diễn ra từ 22 - 24/7) sẽ tạo cơ hội cho DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư -Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Bùi Duy Quang khi nói về lợi ích mà hoạt động này mang lại cho DN, làng nghề.

Đây không phải là lần đầu tiên HPA tổ chức Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành, vậy trong lần tổ chức này đặt ra những mục tiêu gì, thưa ông?

- Hà Nội và các tỉnh, thành trên cả nước đều đã có nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP, chẳng hạn TP Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được gắn từ 3 sao trở lên, nhưng thời gian qua những sản phẩm này không được nhiều người tiêu dùng biết đến do thiếu sự kết nối sản xuất với hệ thống bán lẻ nên thị trường tiêu thụ khá hạn hẹp.

Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết Du lịch Hà Nội năm 2022. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua sản phẩm OCOP tại Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết Du lịch Hà Nội năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Để khắc phục khó khăn này HPA tổ chức Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, TP 2022 qua đó hỗ trợ DN, chủ thể OCOP quảng bá thương hiệu, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng Thủ đô.

Đặc biệt thông qua hoạt động này, HPA hỗ trợ DN giới thiệu, kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hà Nội, tạo cơ hội cho những đơn vị này tiếp cận hệ thống bán lẻ hiện đại.

Có thể nói nói đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ, kích thích mua sắm, tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Các sản phẩm OCOP đặc trưng của Hà Nội quy tụ tại chương trình lần này gồm những sản phẩm tiêu biểu của từng vùng miền như: Thủy hải sản, bánh kẹo, chè, cà phê, thực phẩm chế biến, nông sản… Trong đó, tỉnh Hưng Yên sẽ giới thiệu đến người tiêu dùng Thủ đô sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP như mật ong, hạt sen, long nhãn, các sản phẩm chuối sấy dẻo, sấy khô, gà Đông tảo, tinh bột nghệ…Tỉnh Bắc Kạn quảng bá sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên như chè Shan tuyết, mật ong, bí xanh thơm.

Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Nông…đem đến các sản phẩm đặc sản đạt tiêu chuẩn OCOP như cà phê, hạt mắc ca, nước cốt dâu tây, nước cốt phúc bồn tử… Riêng Hà Nội sẽ giới thiệu một số sản phẩm OCOP như sữa tươi, sữa chua Ba Vì, trà thảo dược, trà túi lọc, tinh dầu và sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề…

Để tiêu thụ sản phẩm OCOP đòi hỏi sự liên kết giữa DN phân phối, bán lẻ với đơn vị sản xuất. Vậy thời gian tới, HPA sẽ có những hoạt động gì để hỗ trợ DN các tỉnh khai thác thị trường nội địa tiêu thụ sản phẩm?

- Để có thể quy tụ sản phẩm OCOP đặc sản của các địa phương đến với thị trường Thủ đô, thời gian tới, HPA sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội và các tỉnh tổ chức những buổi giao thương kết nối giữa DN bán lẻ Hà Nội và DN các tỉnh, thành.

Cụ thể từ nay đến cuối năm HPA sẽ liên tục tổ chức Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022; "Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2022" - Hanoi Agriculture Fair 2022 tại Trung tâm AEON Mall Long Biên và Trung tâm AEON Mall Hà Đông, Hội chợ Đặc sản vùng miền 2022…

Thông qua việc tổ chức các sự kiện này các siêu thị, trung tâm thương mại Hà Nội tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm OCOP với DN, chủ thể OCOP.

Bên cạnh sự hỗ trợ của HPA, DN, chủ thể sản phẩm OCOP cần đẩy mạnh hoạt động xây dựng quảng bá thương hiệu, cải tiến mẫu mã sản phẩm như thế nào, thưa ông ?

- Mặc dù các tỉnh, TP đều có sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã...

Để khắc phục những nhược điểm này qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, các DN, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đầu tư hệ thống sản xuất hợp quy chuẩn theo quy định; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đồng thời cải tiến chất lượng mẫu mã, bao bì theo từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, có tính thẩm mỹ cao.

Đặc biệt, cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ, qua đó xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu, sản phẩm, trước mắt tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu tại thị trường nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xin cảm ơn ông!

 

Nhằm hỗ trợ DN, chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ chương trình, HPA sẽ tổ chức một số hoạt động bên lề như dùng thử sản phẩm tại gian hàng, trình diễn cách thức sản xuất sản phẩm OCOP như quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng.

Diễn ra từ 22 - 24/7 tại không gian đi bộ Hồ Gươm, Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, TP 2022 thu hút 150 DN, hợp tác xã, làng nghề của TP Hà Nội và 27 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Những gian hàng này sẽ tổ chức thành 6 khu chuyên biệt, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung - Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần