Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020: Kết nối sản xuất, kích cầu tiêu dùng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, TP tại Hà Nội 2020 (diễn ra từ ngày 3 - 7/10/2020) không chỉ đem đến cho người tiêu dùng cơ hội mua sắm nông sản, đặc sản mà còn là cơ hội cho DN các địa phương kết nối cung cầu với hệ thống bán lẻ Thủ đô.

Ngày hội của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Tuần hàng trái cây, nông sản có quy mô 40 gian hàng đã thu hút 15 tỉnh, TP tham gia, với các sản phẩm nông sản đặc sản như cam Hà Giang, Bắc Giang; hồng Bắc Kạn, Sơn La; ổi Hải Dương... được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Chị Bùi Thị Phúc Thảo ở đường Bồ Đề (Long Biên) chia sẻ: Tuần hàng đã giúp người tiêu dùng mua sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, không quá đắt.
 Người tiêu dùng mua trái cây, nông sản tại Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại Hà Nội 2020.
Nhiều DN tham dự sự kiện đánh giá, việc tham gia Tuần hàng đã giúp DN, HTX kết nối thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm các mặt hàng nông sản tới người tiêu dùng. Hiện có 2 thái cực trong việc tiếp cận, tiêu thụ mặt hàng nông sản Việt Nam. Trong khi người nông dân làm ra sản phẩm nhưng phải bán với giá thấp, thì người tiêu dùng phải mua với giá cao bởi qua nhiều “cầu”. Việc TP Hà Nội tổ chức Tuần hàng không chỉ giúp DN quảng bá sản phẩm mà người tiêu dùng có cơ hội tiệm cận giá thành sản xuất.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Tháng 10 là thời điểm có nhiều sản phẩm nông sản, trái cây của các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình… vào vụ thu hoạch. Nguồn cung tăng, trong khi dịch Covid-19 khiến hoạt động xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, nên thị trường nội địa đang là “điểm tựa” tiêu thụ sản phẩm. “Việc tổ chức Tuần hàng đã hỗ trợ sản phẩm các tỉnh, thành tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đồng thời đáp ứng được cân đối cung - cầu cho thị trường Hà Nội”- bà Lan nói.

Cơ hội kết nối với hệ thống phân phối

Nói về lợi ích Tuần hàng mang lại cho DN các chuyên gia bán lẻ nhận định, đây không chỉ là “ngày hội” với người tiêu dùng mà còn tạo ra “sân chơi” cho DN sản xuất kết nối tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị. Phó Chủ tịch Liên minh HTX Sơn La Nguyễn Văn Minh chia sẻ, việc tham gia Tuần hàng đáp ứng nhu cầu thiết thân của DN trong việc kết nối, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường nội địa, hướng đến xuất khẩu. “Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều hơn các “sân chơi” theo mô hình Tuần hàng qua đó tạo điều kiện cho DN đưa nông sản, đặc sản vùng miền khai thác thị trường nội địa, tạo đầu ra ổn định” - ông Minh nói.

Trước mong muốn kết nối cung - cầu của DN sản xuất, đại diện Sở Công Thương nêu rõ: Trong thời gian diễn ra Tuần hàng, Sở tổ chức hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm với DN phân phối, từ đó ký kết biên bản hỗ trợ, tiêu thụ giữa siêu thị với DN, hộ nông dân, tạo đầu ra ổn định cho nông sản các địa phương. "Gần như 100% sản phẩm đưa về Tuần hàng đã, đang, sẽ tiếp tục được kết nối với các chợ và kênh phân phối hiện đại"- Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định.

Thực tế cho thấy, nhằm hỗ trợ DN các tỉnh thành tiêu thụ nông sản từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các siêu thị như Big C, MM Mega Market liên tục tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản qua đó kết nối cung cầu. Tổng Giám đốc siêu thị MM Mega Market Việt Nam Bruno Jousselin cho biết: Thông qua Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành Hà Nội 2020, DN đã chọn ra được nhiều sản phẩm phù hợp đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị MM Mega Market.

Không phải chỉ khi có khó khăn về thị trường do Covid-19, TP Hà Nội mới tổ chức kết nối cung - cầu đưa hàng hóa từ các tỉnh, thành về Hà Nội tiêu thụ, những năm qua ngành Công Thương Hà Nội đã liên tục tổ chức hoạt động này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018 - 2019, Hà Nội đã ký kết hợp tác giao thương, cung ứng hàng hóa với 44 tỉnh, thành, qua đó hỗ trợ DN các tỉnh thành đưa trên 1.000 chủng loại sản phẩm mới vào hệ thống bán lẻ Hà Nội tiêu thụ. Đến nay, mỗi ngày có hàng nghìn tấn nông sản của các tỉnh, thành tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội thông qua các siêu thị, chợ đầu mối. Quan trọng hơn hoạt động này còn giúp nông dân cách thức sản xuất nông nghiệp tiên tiến, cải tiến mẫu mã bao bì.

"Nhằm hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm 2020, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức trên 30 sự kiện kết nối cung cầu, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong dịp cuối năm. Cụ thể, tổ chức Tuần hàng Việt, phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành như Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn và các khu công nghiệp… Đồng thời, Sở sẽ tổ chức Hội chợ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm hàng lưu niệm chất lượng cao; quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ… giúp DN, làng nghề thủ công mỹ nghệ tiêu thụ sản phẩm. " - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần