Mở rộng kênh xuất khẩu
Thông tin từ HPA cho thấy, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho DN Việt Nam, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, dự kiến đến 2020 kim ngạch thương mại 2 chiều cán mốc 60 tỷ USD/năm. Mặc dù Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhưng năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 1.675 nhà cung cấp Việt Nam vào hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của AEON chỉ đạt gần 200 triệu USD.Người tiêu dùng và DN Nhật Bản tìm hiểu hàng Việt tham gia triển lãm “Tokyo gift show 2016”. Ảnh: Lê Nam |
Bà Nguyễn Mai Anh - Phó Giám đốc HPA cho biết, nhằm hỗ trợ DN đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị hiện đại Nhật Bản tiêu thụ, từ 5 - 11/6 HPA tổ chức “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” tại Trung tâm thương mại AEON. “Sự kiện này là một trong những giải pháp triển khai Đề án thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài của Bộ Công Thương. Đây là một Chương trình mà lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm, với mong muốn phát triển các kênh xuất khẩu mới. Qua đó, đưa các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước, hỗ trợ DN tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài qua đó hạn chế khâu trung gian" - bà Nguyễn Mai Anh nói.
Tham gia chương trình có 36 DN Hà Nội và các tỉnh bạn với 50 gian hàng trưng bày giới thiệu hàng dệt may, thời trang, da giày, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, trang trí, nông sản thực phẩm chế biến đặc sản của các vùng miền. Đặc biệt, HPA còn bố trí riêng 12 gian, trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, đặc sản các địa phương, sản phẩm thương hiệu quốc gia và hoa quả Việt Nam đã xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản.Cơ hội nhiều, nhưng thách thức không nhỏ Ông Nishitoghe Yasuo - Tổng Giám đốc AEON Việt Nam cho biết, mặc dù chất lượng hàng hóa của DN Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt so với trước đây, nhưng vấn đề nguồn hàng ổn định, chủng loại và kiểm soát chuỗi sản xuất đảm bảo ATVSTP còn không ít hạn chế. “Hiện nay, sản lượng hàng nông sản, trái cây tươi, rau của Nhật Bản chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu nội địa; diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm nên nhu cầu nhập những mặt hàng này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản kiểm soát rất chặt chẽ khâu ATVSTP và chất lượng nên muốn xuất khẩu hoa quả tươi vào thị trường Nhật Bản, DN Việt Nam phải cải thiện từ khâu chọn giống, sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và vận chuyển...” - ông Nishitoghe Yasuo nêu rõ.Theo phân tích của một số DN tham gia chương trình, nguyên nhân vấn đề này xuất phát từ mối quan hệ giữa DN với nhà phân phối nước ngoài còn nhiều bất cập. Điển hình như ngoài những yếu tố khách quan từ phía nhà cung cấp, thì quy trình và chính sách thu mua hàng hóa của đơn vị phân phối cũng chưa minh bạch, chưa tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm. Đại diện HPA nêu rõ, để hỗ trợ DN phát triển kênh xuất khẩu mới vào thị trường Nhật Bản, thời gian tới HPA sẽ tổ chức định kỳ hàng năm Tuần hàng Việt Nam – Hà Nội tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, HPA sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng và DN xây dựng cơ sở dữ liệu phân phối, tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ đào tạo kỹ năng đàm phán hợp đồng với các nhà phân phối nước ngoài…Tuy nhiên, DN trong nước muốn tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó có những đối tác Nhật Bản đang hiện diện tại Việt Nam, nên chuyển từ thói quen tìm đối tác mua hàng sang tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nước sở tại.Trong khuôn khổ “Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội” sẽ diễn ra chương trình giao thương, kết nối DN Việt Nam với hơn 200 DN phân phối, nhà nhập khẩu Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu, nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. |