“Tuần hàng Việt” tiếp cận gần hơn người tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tổ chức Chương trình “Tuần hàng Việt” không chỉ tạo cơ hội cho DN đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng (NTD), mà còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng về chương trình “Tuần hàng Việt” tổ chức tại huyện Thanh Trì từ ngày 6 - 11/10.

Đảm bảo chất lượng hàng hóa

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình lớn như: Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, Liên kết vùng và kết nối giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong cả nước; Đưa hàng Việt về nông thôn, khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Thủ đô... góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, giảm chỉ số giá tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt vai trò cầu nối hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất các tỉnh bạn kết nối cung - cầu để qua đó tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.
Người tiêu dùng huyện Thanh Trì chọn mua hàng trong tuần lễ bán hàng Việt.	 Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng huyện Thanh Trì chọn mua hàng trong tuần lễ bán hàng Việt. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy, để hàng Việt chiếm được lòng tin của NTD đòi hỏi các DN phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa luôn được ngành công thương đặt lên hàng đầu. Cụ thể, chuỗi "Tuần hàng Việt" tập trung giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa do DN trong nước sản xuất, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, ATTP. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, đồ gia dụng, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề, sản phẩm đặc sản vùng miền… Bên cạnh đó, các DN tham gia bán hàng tại chương trình "Tuần hàng Việt” luôn đặt tiêu chí quan trọng nhất là hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của NTD phải có đầy đủ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo VSATTP, giá cả hợp lý để phục vụ người dân... Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: "Người dân các huyện ngoại thành rất quan tâm đến chương trình, chú ý tìm hiểu chất lượng, giá hàng hóa. Vì vậy, Hapro cam kết đem đến chương trình nguồn hàng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành hợp lý, đồng thời tư vấn, giải đáp các thắc mắc của NTD".

Rộn ràng mua sắm

Nhằm thu hút NTD, các DN tham gia “Tuần hàng Việt” đã khảo sát thực tế, từ đó xây dựng cơ cấu hàng hóa phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân. Có mặt tại sân vận động huyện Thanh Trì trong những ngày diễn ra “Tuần hàng Việt” mới thấy không khí mua bán tấp nập của bà con ngay từ ngày đầu khai mạc.

Sau khi tham quan khu hội chợ, trên hai tay nặng trĩu các túi hàng, bác Nguyễn Thị Minh - trú tại đường Phan Trọng Tuệ, thị trấn Văn Điển hồ hởi nhận xét: “Mặc dù hầu hết các sản phẩm bày bán trong chương trình có giá bán tương đương ngoài thị trường nhưng quan trọng hơn đây là hàng do các DN trực tiếp phân phối nên tôi rất yên tâm”. Bên cạnh đó, nhiều người dân sau khi đến với "Tuần hàng Việt" bày tỏ mong muốn chương trình có thêm nhiều gian hàng, đa đạng hóa các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để NTD có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm.

Ông Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì chia sẻ, việc ngành công thương TP phối hợp các địa phương tổ chức "Tuần hàng Việt" đã góp phần thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đây cũng là cơ hội cho các DN nhỏ và vừa, nghệ nhân các làng nghề của Hà Nội quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Bên cạnh đó, qua “Tuần hàng Việt” cũng là dịp để lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống hàng giả, nhái nhãn mác, từ đó đảm bảo quyền lợi cho NTD.
Từ nay đến cuối năm 2015, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP tổ chức 30 "Tuần hàng Việt". Mỗi điểm tổ chức có quy mô từ 1.500 - 2.000m2, tương đương khoảng 40 - 100 gian hàng tiêu chuẩn và các khu phụ trợ như nhà kho, bãi giữ xe... Mỗi "Tuần hàng Việt" kéo dài từ 5 - 7 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, người dân tham gia kinh doanh, mua sắm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần