Tuần minh chứng ngoại giao sở trường của Tổng thống Putin

Hương Thảo (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - CNN nhận định ông chủ Điện Kremlin sẽ bật lên bất cứ nơi đâu có khoảng không chính trị trên thế giới.

Tổng thống Nga Putin (giữa, hàng dưới) chụp ảnh cùng lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh hôm 26/4. 

Tổng thống Vladimir Putin đã kết thúc một tuần ngoại giao cấp cao hôm 26/4 vừa qua, khi ông xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh và nhận được sự chào đón đặc biệt nồng nhiệt từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Tổng thống Putin là một người bạn tốt và là người bạn lâu năm của người dân Trung Quốc", ông Tập nói, "ông ấy (Putin) là người bạn thân nhất của tôi".

Một tình bạn tri kỷ cũng đã được thể hiện trong chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh hôm 25/4 giữa Tổng thống Nga và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tại TP Vladivostok của Nga, ông Putin được đánh giá đã định vị thành công vai trò của mình như là một nhà môi giới thiết yếu cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời cũng là một "người chơi" nổi bật trên trường thế giới.

Phát biểu trước báo giới cuối ngày thứ 5, ông Putin khẳng định sẽ thông báo kết quả thượng đỉnh Nga - Triều với lãnh đạo Trung Quốc, cũng như "sẽ thảo luận cởi mở và thẳng thắn...với lãnh đạo Mỹ".

"Chẳng có gì phải che giấu ở đây, Nga luôn rộng mở, không âm mưu bất cứ điều gì", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Đáng nói, thực tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã thất bại trong nỗ lực để đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng, trong khi ông giải thích điều này trong cuộc họp báo tại Hà Nội rằng "đôi khi cần phải bỏ qua".

Và chính những nơi mà Washington "bỏ qua" đó, Moscow đã nhìn thấy những cơ hội.

Lãnh dạo Nga - Triều Tiên trong cuộc hội đàm tại Vladivostok hôm 25/5.

Nhớ lại thời điểm quốc tế đang sục sôi vì cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi - vụ việc làm suy yếu mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi - Điện Kremlin lại tỏ ra khá thận trọng trong việc có nên quy kết trách nhiệm và tội danh cho chính quyền Riyadh.

"Liệu rằng chúng ta (Nga) có làm hỏng mối quan hệ của mình với Ả Rập Saudi khi mà chưa biết chính xác những gì đã xảy ra?", ông Putin từng nói khi vụ án vẫn còn trong quá trình .điều tra

Tương tự trong trường hợp với Philippines, một đồng minh lâu năm và cũng từng là thuộc địa của Mỹ. Năm 2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, một người đã công khai tỏ lòng ngưỡng mộ Tổng thống Putin, đã đến thăm chính thức Moscow vào thời điểm quan trọng - khi Washington liên tục chỉ trích vấn đề vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy của Manila.

Mới đây là cuộc khủng hoảng ở Venezuela, nơi Điện Kremlin vẫn ra sức ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro đang đối mặt với áp lực ghê gớm từ Mỹ và đồng minh phương Tây. Đáng nói, trong trường hợp này, Tổng thống Putin đã báo hiệu rằng ông thậm chí có thể "chơi" cả ở bán cầu Tây - sân sau của nước Mỹ.

Theo CNN, Nga dưới thời Putin dường như đã đặt dấu ấn tại tất cả những nơi mà sức mạnh của Mỹ đang tỏ ra ngày một suy yếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần