Đây là hội thảo tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận dụng Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam (KVFTA) trong quá trình giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình áp dụng của các DN. Năm 2016 đánh dấu sự kiện quan trọng khi KVFTA có hiệu lực với 11.679 dòng thuế cho Việt Nam và 8.521 dòng thuế cho Hàn Quốc cam kết xoá bỏ. Hiệp định này đã và đang mở ra cơ hội ngày càng lớn hơn cho cộng đồng DN nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế hai nước.
Tại buổi hội thảo, chuyên gia hai nước đã thảo luận về vấn đề xác minh xuất xứ hàng hoá, tư vấn, giải thích những thắc mắc của DN về các vấn đề liên quan tới hiệp định. Bà Trần Minh Trang, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, các DN khi xác minh xuất xứ hàng hoá thường gặp các lỗi hình thức như: C/O bị trùng số, thiếu chữ ký mẫu của người xuất khẩu, lỗi ngôn ngữ, con dấu...; hay các lỗi nội dung tiêu chí xuất xứ... Các lỗi này khiến DN bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 – 50 triệu đồng trong xuất xứ hàng hoá, tăng thời gian cấp C/O...
Trong khi đó, đại diện Cục Hải quan Hàn Quốc, giám định xuất xứ hàng hoá nhằm phòng chống áp dụng sai ưu đãi, ngăn chặn những thương mại không công bằng, thu thuế bị thất thoát và quản lý thực thi FTA, thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư... Sau khi có kết quả kiểm tra, nếu DN sai phạm, các đơn vị chức năng sẽ xử phạt hành chính bằng cách phạt tiền, bãi bỏ việc áp dụng thuế suất ưu đãi theo các điều luật trong nước và theo nội dung quy định trong hiệp định hay hạn chế quyền áp dụng thuế suất ưu đãi. Do đó, phía Hải quan Hàn Quốc cho rằng, DN xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm ngặt nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ; kiểm tra trước việc phân loại hàng hoá theo tài liệu mà cơ quan hải quan cung cấp, xác minh trước xuất xứ, chủ động tận dụng các kênh tư vấn tại Trung tâm hỗ trợ xuất nhập khẩu hải quan và chấp hành nghiêm túc mỗi đợt kiểm tra xuất xứ của cơ quan hải quan...
Đưa ra lời khuyên cho DN, ông Choi Dae Kyoo, chuyên gia dịch vụ Hải quan và Thuế (Trung tâm Hỗ trợ FTA Hàn Quốc – Việt Nam) cho rằng, để thực hiện quản lý xuất xứ, DN xuất khẩu tập trung đào tạo nhân viên chuyên quản lý về xuất xứ để có thể vận dụng FTA thông suốt. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống quản lý xuất xứ một cách tổng thể, bởi đây là vấn đề phức tạp, có nhiều điểm khác biệt giữa các hiệp định và các nhóm hàng hoá. “DN phải nâng cao ý thức thức với việc kiểm tra xuất xứ và lưu trữ, tổng hợp hồ sơ liên quan đến chứng minh xuất xứ, phải có kế hoạch giải trình khi bị kiểm tra; phải coi quản lý giao dịch FTA như một rủi ro thương mại, chứ không đơn thuần là một giao thương thông thường...” - ông Choi Dae Kyoo lưu ý.
Để hiện thực hoá mục tiêu 70 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã thoả thuận, các cơ quan hỗ trợ thương mại Hàn Quốc cho biết sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ vận dụng hiệp định tới cộng đồng DN trong năm 2017.