Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuần tới, Hà Nội ban hành quyết định 3 đối tượng lao động hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 3 đối tượng người lao động (NLĐ) hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, Sở LĐTB&XH sẽ có hướng dẫn để các địa phương chi trả ngay cho các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai chi trả tiền hỗ trợ an sinh xã hội theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg cho 3 đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Các đối tượng Người có công, Bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở quận Long Biên đang nhận tiền hỗ trợ bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Đến chiều 2/5, nhiều quận, huyện, thị xã đã chi trả tiền hỗ trợ đạt tỷ lệ cao. Dự kiến đến ngày 4/5, TP Hà Nội sẽ cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng theo Quyết định 1757/QĐ-UBND ngày 29/4/2020 của UBND TP.
Trong đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về việc thực hiện hỗ trợ NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, ngày 2/5, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Trước đó, Sở LĐTB&XH đã có văn bản yêu cầu và hướng dẫn các Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, báo cáo đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị Quyết số 42/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục rà soát những đối tượng NLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo rà soát ban đầu, có gần 138.000 NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các DN gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho NLĐ từ tháng 4 đến hết tháng 6.
Hơn 925.000 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết, hiện Hà Nội khó khăn nhất trong việc rà soát, thống kê nhóm này. Bởi có nhiều NLĐ tự do sống trên địa bàn thuộc diện KT3, KT4. Trong Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ điều kiện phải có nơi cư trú hợp pháp.
Phường Phương Liên, quận Đống Đa thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chiều 30/4. Ảnh: Trần Oanh.
Để việc xác định đúng đối tượng thụ hưởng, TP sẽ hướng dẫn các quận, huyện chỉ đạo cấp xã, phường thành lập một hội đồng xét duyệt do Chủ tịch UBND cấp xã, phường làm Chủ tịch hội đồng. Thành viên tham gia hội đồng xét duyệt là MTTQ và một số ngành đoàn thể xã phường, trưởng thôn hoặc tổ trưởng dân phố.
Hội đồng này có trách nhiệm rà soát, thẩm định chi tiết, cụ thể theo những tiêu chí, điều kiện đặt ra không. Sau đó, danh sách xét duyệt sẽ được niêm yết công khai ở tại UBND xã, phường; bản tin ở các tổ dân phố , khu dân cư, nhà văn hóa.
Sau 2 ngày công khai sách đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Quyết định 15, nếu không ai có ý kiến, Chủ tịch UBND cấp xã, phường lập danh sách gửi UBND cấp quận, huyện phê duyệt, chi trả.
MTTQ các cấp sẽ phối hợp giám sát từ khâu rà soát đối tượng đến khâu cuối cùng là chi trả xem có đúng quy trình, đối tượng, chi trả kịp thời theo quy định tại Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ hay không.
TP Hà Nội cũng giao cho Sở LĐTB&XH lập các đoàn đi kiểm tra thực hiện chính sách này ở tại 30 quận huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đảm bảo thực hiện đúng chính sách theo quy định.
Tuần tới, TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng này, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ có hướng dẫn thực thực hiện; sau đó, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn sẽ chi trả ngay.