Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tục thờ chó đá độc đáo của người Việt

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Việt từ xưa đến nay quan niệm chó là loài vật gần gũi, trung thành và mang lại nhiều may mắn cho gia chủ, bởi vậy mới có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”.

 Ở một số địa phương hiện nay vẫn có tục thờ chó đá.
Tuy vậy, chó bình thường chỉ coi được phần dương, muốn canh giữ phần âm thì phải ''nuôi'' chó đá. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và coi như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ.
Tìm trong nhiều tài liệu còn ghi chép lại, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng" ở phần Dư địa chí ghi chép về trấn Thanh Hoa.

Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tây Hồ chí, khi chép về việc trồng muỗm ở đời Trần trên đê sông Hồng, đoạn ở kinh thành cũng đều có nói đến miếu Chó Thần.

Trong cuốn Việt Nam văn hóa sử cương, học giả Đào Duy Anh ghi lại: "Xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân để cho người ngoài đừng nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá hay là treo một cái gương ở trên cửa chính để yểm tà khí".

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, tục thờ chó đá của người Việt đã có từ lâu. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch để canh giữ, bảo vệ kinh thành (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Ở một số địa phương hiện nay vẫn có tục thờ chó đá. Tại Hà Nội, làng Hát Môn, xã Hát Môn (Phúc Thọ); xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng); thôn Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa); xã Cần Kiệm, Chàng Sơn (Thạch Thất) là những nơi còn được biết đến với những bệ thờ chó đá.

Trước cửa đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) có một bệ thờ chó đá đặt ở ngoài vườn. Trên bệ thờ, trước mặt chó đá có đặt bát hương. Theo cụ thủ từ và một số người già trong làng thì chó đá vốn xưa ngự trên gò cao, cách đình vài trăm mét, dưới hai cây gạo to. Sau gò lở, hai cây gạo đổ, dân làng rước "ngài Hoàng Thạch" (chó đá) về bên cạnh đình cho tiện việc hương khói vào các ngày mùng một và ngày rằm.

Ngoài ra, tượng chó đá cũng được ghi nhận thờ tại chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam). Đặc biệt, tại huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có tới 60% số hộ dân thờ chó đá. Người dân ở đây, nhất là người Tày, người Nùng quan niệm việc thờ chó đá trước cửa nhà sẽ giúp cho gia chủ gặp dữ hóa lành, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm. Con chó đá sẽ bảo vệ cho yên mảnh đất nơi họ sống.