Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tưng bừng Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016 chính thức diễn ra trong 5 ngày từ 18/3 đến 23/3/2016 tại trung tâm TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, giao lưu trình diễn cồng chiêng và các trò chơi dân gian

Tại buổi trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, các nghệ nhân không những dùng đôi tay và trí thẩm âm của mình với mong muốn được chỉnh lại các bộ chiêng cho đồng bào mà còn truyền dạy về chỉnh chiêng cũng như diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ sau với mục đích lưu giữ không gian văn hóa Tây Nguyên luôn sống mãi với đồng bào nơi đây.
Giao lưu cồng chiêng.
Giao lưu cồng chiêng.
Các chương trình đều mang trong mình âm hưởng của nhạc dân gian Tây Nguyên. Đặc biệt, buổi giao lưu trình diễn cồng chiêng được thể hiện từ chính các nghệ nhân cho đến các buôn làng. Các nghệ nhân thường nói:  Chiêng ai đánh cũng kêu… nhưng để chiêng “nói”, chiêng “hát” được thì phải biết đánh vào “tim của nó”… Các nghệ nhân không chỉ trình diễn một nhạc cụ bình thường mà còn đưa “tài sản” thành “di sản” và đặc biệt hơn nữa là đưa “cái chiêng lạc lối” về với “đàn” của nó.

“Người Tây Nguyên vốn trẻ về mặt tinh thần, biết vui chơi ở mọi lứa tuổi. Yếu tố vô tư là cốt yếu đối với trò chơi của họ”. Đó là nhận xét của nhà nhân học chân trần người Pháp – Dambo khi được khám phá vẻ đẹp tinh thần ấy và cùng người dân tham gia các trò chơi dân gian tại nhà Bảo tàng tỉnh, thành phố Kon Tum. Trong đó, lần đầu tiên phục dựng trò leo cột trơn của người Mnông Gar và đặc biệt là trải nghiêm trò kéo co vừa được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2015.
Tưng bừng Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên - Ảnh 1
Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian
Từ ngày 18-20/3/2016 tại nhà Rông Kon K’Lor, thành phố Kon Tum luôn sôi động không những bởi các chương trình giao lưu ca múa nhạc hòa cùng tiếng cồng chiêng mà còn có âm thanh từ tiếng đục đẽo của những nghệ nhân đang miệt mài tạc tượng gỗ dân gian. Dù là tượng nhà mồ của người Ba Na, Gia Rai hay linh tượng về các vị anh hùng giữ gìn buôn làng của người Xơ Đăng…thì tượng gỗ dân gian Tây Nguyên đều thể hiện nét tư duy và thủ pháp tạo hình mang tính biểu trưng và ước lệ, không nhầm lẫn với bất cứ nghệ thuật điêu khắc dân gian nào. Tại đây, khi được chiêm ngưỡng quá trình điêu khắc và nhìn những sản phẩm trưng bày, có thể thấy được khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và tâm hồn sống động của các nghệ nhân Tây Nguyên.
Nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian.
Nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian.
Lễ hội đường phố (Carnaval)
Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên” đã diễn ra vào chiều tối ngày 19/3/2016 trên các tuyến đường chính của Kon Tum. Lễ hội có sự tham gia của hơn 500 nghệ nhân dân gian của các tỉnh Tây Nguyên với đủ các loai nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, trống, khèn hơi, đàn T’rưng...
Tưng bừng Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên - Ảnh 2
Suốt hành trình sắc màu Tây Nguyên xuống phố, du khách có thể cảm nhận được sự nhạy cảm của người Tây Nguyên với nhịp điệu, với sự hài hòa, với cái chung…và họ là nhạc sỹ trong di sản âm nhạc dân tộc mình.
Liên hoan ẩm thực
Ngoài những tiếng cồng, tiếng chiêng, Tây Nguyên còn được du khách thập phương biết đến với nền ẩm thực phong phú, đa dạng và được các tổ chức kỷ lục xếp hạng như Sâm Ngọc Linh được xác lập là quà tặng kỷ lục Châu Á; gỏi lá Kon Tum, gà nướng Konplong, cá tầm Konplong đạt kỷ lục 50 món ăn Việt Nam; tiêu rừng, măng nứa, rượu sim Konplong...
Liên hoan ẩm thực.
Liên hoan ẩm thực.
Hương vị ẩm thực truyền thống Tây Nguyên là sự kết hợp giữa sản vật của thiên nhiên và tâm hồn của con người nơi đây như: Gỏi lá, cơm lam, rượu cần, thịt nướng, bò một nắng muối kiến vàng… Liên hoan là dịp để các du khách có thể thưởng thức những đặc sản đậm hương vị của núi rừng nơi đây.

Ngoài ra, trong chuỗi các sự kiện diễn ra trong Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016, còn có các các hoạt động thú vị diễn ra tại các huyện vệ tinh như: hội thi triển lãm lãm ảnh nghệ thuật Măng Đen huyền thoại, hội thi chọi gà dân gian; hội thảo xúc tiến đầu tư phát triển Nông nghiệp công nghệ cao; Đại lễ uống nước nhớ nguồn; cùng các hoạt động khác tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi.