Tuy nhiên, không khí ngày khai trường đã tưng bừng khắp mọi ngõ phố, ngả đường từ sáng 4/9. Từ trường mẫu giáo, tiểu học cho đến THCS, THPT, đâu đâu cũng bắt gặp băng rôn, khẩu hiệu, cờ, hoa rực rỡ chào đón ngày khai giảng năm học mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo các cấp đã đến dự lễ khai giảng và chia vui với thầy trò nhiều trường trên địa bàn TP.
Đổi mới phương pháp dạy và học
Tiếng trống khai trường đã điểm, báo hiệu một năm học mới với quyết tâm của thầy và trò trước năm học trọng tâm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, năm học kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và đặc biệt kỷ niệm 60 năm thành lập ngành GD&ĐT Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, sáng 4/9. Ảnh: Anh Quý
|
Sau năm học 2013 - 2014 được xem là năm bản lề để từng bước thực hiện thí điểm đổi mới giáo dục theo tinh thần, nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TƯ, năm học 2014 - 2015, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục tiếp nối những bước đổi mới đã được triển khai. Như lãnh đạo ngành GD&ĐT chia sẻ, những thành quả đạt được trong năm học trước sẽ là "đà" cho giáo dục Hà Nội tiến bước trong hành trình đổi mới.
Điển hình là TP đã "xóa trắng" được tình trạng phường không có trường, để năm học này ổn định với 2.577 trường học và cơ sở giáo dục. Hà Nội cũng đã đi đầu trong xây dựng trường học đạt tiêu chí chất lượng cao với 4 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn (một trường THPT, một trường tiểu học, 2 trường mầm non).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với thầy trò trường THPT Nguyễn Gia Thiều trong ngày khai giảng năm học mới.
Mục tiêu phấn đấu của ngành giáo dục TP là đến hết năm 2015 sẽ có 20 trường đạt tiêu chí chất lượng cao. Tất cả các cấp học, ngành học trong hệ thống giáo dục TP đều tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, mô hình trường học mới (VNEN) đã có mặt ở 15 quận, huyện... Điều đáng nói, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Hàng loạt lớp bồi dưỡng được tổ chức để nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục; Công tác quản lý có nhiều bước đột phá, góp phần giải quyết những bức xúc, bất cập đang tồn tại.
Học sinh trường THCS Lương Thế Vinh trong ngày khai giảng.
Năm học mới này, nhiệm vụ đặt ra cho đội ngũ giáo viên là tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục, coi trọng việc phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Như Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ thực hiện công khai mục tiêu đổi mới giáo dục, chú trọng chuẩn đầu ra của từng cấp học, trường học. Bên cạnh đó, đổi mới căn bản công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển; chú trọng đánh giá việc hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn của người học.
Tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm
Tới dự khai giảng và chung vui với thầy trò trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) sáng 4/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những nỗ lực và thành tích đã đạt được của ngành giáo dục Thủ đô và trường Nguyễn Gia Thiều trong những năm qua. Tổng Bí thư chỉ rõ, 5 năm tới sẽ là chặng đường phấn đấu quyết liệt để Thủ đô trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới. Đây là nhiệm vụ to lớn, nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Cùng với khoa học công nghệ, ngành GD&ĐT Thủ đô phải vươn lên phát triển mạnh mẽ và vững chắc hơn nữa, đáp ứng nhu cầu tạo ra nguồn nhân lực cho sự nghiệp to lớn đó.
Học sinh trường THCS Giảng Võ trong ngày khai trường.
|
Tổng Bí thư đề nghị, trong năm học tới, toàn ngành giáo dục Thủ đô và cả nước cần tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chăm lo, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, bao gồm giáo dục trí, đức, thể, mỹ. Làm tốt nhiệm vụ dạy chữ, đặc biệt là dạy người; Không ngừng đổi mới cách dạy, cách học, theo hướng khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh; Gắn học với hành, học kiến thức với giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức lối sống, nhằm tạo ra con người có đức, có tài, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên chào đón năm học mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng Bí thư lưu ý ngành giáo dục cần xây dựng nội dung, chương trình giáo dục thiết thực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.