Muôn kiểu "lợi dụng" lũ lụt
Có thể khẳng định, mạng xã hội đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong đợt bão lũ miền Trung khi đây là nơi chia sẻ thông tin hữu ích cũng như công cụ thuận tiện để các cá nhân, tổ chức huy động sức mạnh của cộng đồng nhằm đóng góp cho những vùng gánh chịu thiệt hại. Tuy nhiên, song hành với đó cũng có không ít cá nhân lợi dụng sự tiện lợi này để phục vụ mục đích cá nhân như câu like, câu view nhờ những thông tin giả mạo, cá biệt có trường hợp còn lợi dụng lòng trắc ẩn để tiến hành lừa đảo tiền bạc.
Câu chuyện bịa đặt về tình mẫu tử được lan truyền trên mạng thời gian gần đây. |
Tuy nhiên, sau khi kiểm chứng, câu chuyện đau lòng trên hoàn toàn là bịa đặt và hình ảnh thi thể 2 mẹ con chỉ là bức tượng được tạc lại nhằm tưởng nhớ tới vụ động đất tại Lương Sơn, Tứ Xuyên, Trung Quốc vào năm 2008. Đến lúc này, mục đích của tác giả bài viết đã hoàn toàn lộ rõ khi lợi dụng bão lũ nhằm tăng thêm lượt view, lượt like cho trang mạng xã hội của mình. Với việc đánh thẳng vào lòng trắc ẩn của cộng đồng, xét trên một góc độ nào đó, dù nhẫn tâm nhưng tác giả cũng đã đạt được mục đích mà mình đề ra.
Không chỉ vậy, tin giả ăn theo bão lũ còn được không ít cá nhân, tổ chức tung ra nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Mới đây, kênh VTV24 đã phát hiện ra trường hợp tài khoản Facebook của Bùi Xuân Huấn hay còn được biết đến với biệt danh Huấn Hoa Hồng đã lợi dụng hình ảnh của mình nhằm quảng bá cho bản thân. Cụ thể, tài khoản trên đã đăng lên mạng xã hội một video của VTV24 về việc nghệ sĩ đi từ thiện tại miền Trung nhưng thay vì nhân vật chính là ca sĩ Mỹ Tâm lại được cắt ghép, chính sửa thành Huấn Hoa Hồng.
VTV24 cũng là nạn nhân của tin giả. |
Không dừng lại ở mức độ câu view, câu like thông thường, đợt lũ lụt miền Trung còn bị kẻ xấu lợi dụng nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị. Điển hình là trường hợp của ca sĩ Thủy Tiên, người vốn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện ở vùng lũ đã bị lợi dụng làm "cần câu" để kẻ gian trục lợi.
Cụ thể, thời gian gần đây đã xuất hiện một địa chỉ Facebook mang tên "Thủy Tiên", trang này đã sao chép gần như toàn bộ các bài viết trên Fanpage chính thức của nữ ca sĩ Thủy Tiên, nếu người dùng không chú ý sẽ rất dễ gây nhầm lẫn. Sau đó, trang này cũng phát động kêu gọi ủng hộ miền Trung, tuy nhiên tài khoản nhận tiền ủng hộ lại không phải là tên của ca sỹ Thủy Tiên mà là Nguyễn Thị Ngân.
Mặc dù ngay sau đó ca sĩ Thủy Tiên đã lên tiếng cảnh báo về tài khoản giả mạo nói trên và địa chỉ này cũng đã được xóa nhưng dựa vào lượng người từng tham gia tương tác ở trang là khá lớn vì vậy khó có thể chắc chắn rằng không có ai trong số đó bị mất tiền oan cho kẻ lừa đảo.
Đưa tin giả có thể bị phạt tù tới 7 năm
Được biết, trước tình trạng lợi dụng thiên tai, lũ lụt dể tung tin giả, tin sai sự thật nhằm phục vụ mục đích cá nhân, cơ quan công an cùng Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) các địa phương đã mau chóng phối hợp nhằm xác minh những đối tượng này từ đó đưa ra các chế tài xử lý kịp thời.
Mới đây nhất, Sở TT&TT Quảng Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với 2 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về tình hình lũ lụt tại địa phương. Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, 2 người đăng tải những thông tin trên đều thừa nhận khi đi cứu trợ lũ lụt có nghe thông tin từ người dân nhưng không kiểm chứng lại mà vội đăng tải thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác cứu hộ, cứu nạn của cơ quan chức năng.
Ca sĩ Thủy Tiên cảnh báo tài khoản Facebook mạo danh mình để trục lợi. |
Về chế tài xử phạt, theo luật sư Nguyễn Văn Quyết - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, pháp luật đã có quy định rất rõ về hành vi tung tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận với mức phạt có thể lên đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, việc lợi dụng tình hình bão lũ thiên tai để trục lợi cá nhân thì càng phải nghiêm trị.
Cụ thể, tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội… sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau nhằm thu lợi bất chính từ 50 đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Đáng lưu ý, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… thì sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Hiện nay thông tin trên mạng xã hội là thật giả lẫn lộn, người dùng cần tỉnh táo phân biệt, tập thói quen kiểm chứng nguồn tin ở các trang báo chính thống, website của các cơ quan nhà nước trước khi bình luận hay chia sẻ bất cứ thứ gì. Điều này sẽ giúp người dùng hạn chế được tối đa những rắc rối có thể có đến từ môi trường ảo, luật sư Nguyễn Văn Quyết đưa ra lời khuyên.