Lẽ ra giờ này tôi đã có thể là chàng sinh viên năm thứ hai với biết bao hoài bão, vượt ra khỏi ngôi làng thuần nông đang ì ạch cùng luồng gió đô thị hóa. Nhưng tôi phải từ bỏ ước mơ của mình để làm lụng, cùng bố nuôi em và chăm mẹ bệnh thấp khớp với dạ dày. Tôi về quê, ảo não nhìn hàng tre tơ tướp vì một cơn giông. Tôi muốn học nhưng cũng thương mẹ. Mắt mẹ ầng ậng nước nhìn thằng con trai hiếu học đầy chí khí. Tôi biết mẹ đã giấu những giọt nước mắt để bố tôi khỏi buồn, để tôi phần nào bớt tủi thân. Nhưng không ai biết, mỗi khi đêm đến, gió lách lá đầu hè và ngoài kia trăng sao rờ rợ sáng là tôi chạnh buồn, không thể nào ngăn được nước mắt đừng rơi. Lòng tự bảo thế là tuổi thanh xuân đầy mơ ước của mình bị nhốt ở nơi quê, như bao thanh niên nam nữ khác, để chẳng bao giờ nảy nòi được một ước mơ nào. Mấy tháng sau, một căn bệnh quái ác ập xuống khiến sức mẹ chẳng thể nào chống đỡ. Mẹ qua đời. Tôi và cha làm lụng nuôi các em. Gần hai năm, thằng em thứ hai bỏ học đi chợ, khuyên mấy cũng không được. Cha thấy tôi còn tha thiết với chữ nghĩa, động viên đi ôn để thi lại đại học. Suy đi tính lại, cuối cùng tôi quyết. Nhưng lúc quyết thì cũng là lúc mà tôi khó có thể học ôn cho kịp. Đành phải ôn từ đó đến sang năm. Tôi ủ quyết tâm tìm lại ước mơ của mình. Sẽ đi làm thêm và ôn thi.
Tôi vào lò mổ bò.
Ở lò mổ có một cô gái rất xinh, con ông bà chủ. Môi hồng, tóc bím, mắt bồ câu. Tả thế nào nhỉ, tôi không phải nhà thơ nên khó dùng từ mỹ miều, đại loại là một cô gái rất hấp dẫn, trinh nguyên và thanh cao, khác hẳn với cái lò mổ tanh nồng và đầy màu chết chóc này. Cô tên Loan, tôi nhìn thấy cô vào đêm đầu đến làm. Lúc đó cô mặc bộ đồ ngủ, được sai tìm bao thuốc cho ông bố. Ngực phập phồng đâm lần áo mỏng khiến lòng tôi rộn ràng. Người mẹ nhìn thấy con, gắt: "Ngủ đi để mai còn đi học, học cho xong thì ở nhà". Sau câu nói đó, bà chủ lảm nhảm cùng mấy đồ tể thô lậu: "Phải bắt con bé ở nhà làm hàng, rồi lấy chồng. Nó cứ đòi thi đại học, làm hai bộ hồ sơ, tôi bắt bỏ tuốt. Đại với chả học, ở nhà làm ra tiền, rồi lấy chồng. Có của có nhà ngay!".
Tôi vẫn thường nghe những ông bố bà mẹ ở làng này nói thế. Họ không muốn con mình học đại học. Chỉ cần học cho biết chữ, phổng phao một tí là ở nhà làm kinh tế, rồi cũng giàu có như ai. Tôi thấy cô gái phụng phịu đi vào trong nhà. Chắc cô có gì bực dọc. Mấy ngày sau, tôi gặp cô ở lớp học ôn. Cô nhận ra tôi trước. Thật bất ngờ.
- Ôi, anh cũng đi học ôn? - giọng cô cất lên, tự nhiên.
- Tại sao không? Anh giống người không có khả năng học ư?
Loan lắc đầu:
- Ý em không phải thế, nhưng anh đi làm thêm ở nhà em…
- Là để có tiền đi học ôn và thi tiếp - tôi nói - Anh học trước em ba năm nhỉ?Cô gái gật, đưa cuốn vở lên ngang mặt, bỗng dưng bần thần:
Sự quyết tâm của cô khiến tôi nể phục, kèm theo một nỗi lo. Mẹ cô là người đàn bà gắn với nghề đồ tể lâu ngày, vàng đeo từ đầu đến chân, chắc chẳng bao giờ tha thiết với chữ nghĩa. Một người làm thuê khác từng nói ngày xưa bà cũng chỉ cần học cho biết đếm tiền là được. Độ hai vợ chồng bà chủ cãi nhau, họ định chia của, đống vàng trong tủ bưng ra, phải đong bằng bát con. Vậy thì làm sao họ chấp nhận cho con học. Nhưng tôi vẫn động viên:
- Em có quyết tâm cao đấy.
Chúng tôi bước vào lớp học. Tôi thấy Loan chăm chú và chắc chắn rất hiểu bài. Những ngày sau, ban ngày tôi vẫn đến lớp học ôn, ban đêm đến lò mổ.
Thời gian trôi bằng tiếng ngã uỵch của những con bò sau khi bị gí điện. Kỳ thi đại học của Loan đã đến, còn tôi đợi năm sau. Nhưng việc làm của Loan bị cha mẹ phát hiện. Cô bị mắng mỏ, bị đay nghiến, quản chặt ở nhà. Cô khóc cạn nước mắt, khóc trong nỗi đau đớn cùng những chú bò bị xẻ thịt. Trong cơn bĩ cực nào đó của tuổi trẻ, Loan vào lò mổ, cầm lấy sợi dây điện để gí vào chú bò. Vì non tay nên Loan đã không thành công. Cô bị chú bò điên lên húc tung người. Giữa lúc Loan đau đớn ngất đi, thì chân chú bò đã trổ đúng vào xương sống cô. Sau tai nạn kinh hoàng đó, Loan hoàn toàn tàn phế, dù gia đình tốn kém tiền của tìm thầy tuyển thuốc. Chẳng những không thực hiện được ước mơ giảng đường, Loan phải gắn với chiếc xe lăn và sống trong nỗi thảm bại của một người từng tự tin với lực học của mình.
* * *
12 giờ đêm, khi tôi và những gã đồ tể đến lò mổ thì trên gác hai, tiếng đàn du dương ngân lên, xua tan không khí nặng nề của bóng đêm trong ngôi nhà chỉ thấy sự giết chóc. Tiếng đàn của cô chủ nhỏ, nghe xa xót ủ dột não nề. Tôi hiểu những tâm sự trong tiếng đàn ấy. Tiếng đàn của một tuổi xuân bị kìm nén, của một tâm hồn trống tênh, tuyệt vọng. Bà chủ bảo: "Con bé ngày đêm đàn với nhạc, chả hiểu lấy sức đâu. Từ ngày bị liệt là đòi mua bằng được cây piano đó. Thế là mất lấy chồng".
Bỗng nhiên tôi căm bà chủ, căm những người mẹ vô lương tâm như bà. Lẽ ra, Loan có thể thi đỗ vào một trường đại học nào đó như mong muốn, rồi làm công việc cô thích. Chính những người cha người mẹ như bà chủ đã giết chết tâm hồn của con cái.
Một đêm, tôi đến sớm hơn thường lệ và leo lên gác hai. Loan nhìn tôi, ánh mắt vừa như xua đuổi, vừa như trì níu. Tôi trân trân đứng nhìn cô, nhỏ bé và yếu đuối nhưng thánh thiện.
- Anh có thể nghe em tâm sự không?
Thốt nhiên, Loan nói, như thể chẳng có ai chia sẻ được những gì đang ngổn ngang trong lòng, và tôi lúc này, như cơn mưa đến khu vườn khô khát. Tôi nói không hề gì. Loan bảo tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhựa. Cô bắt đầu nói:
- Anh không có vẻ gì giống những gã trai làng em. Em tin anh sẽ thoát ra được bên ngoài.
Bàn tay thon của Loan chạm vào một phím đàn âm độ cao rồi buông thõng xuống vài ba nốt trầm, như tiếng thét chói gắt rồi nhẹ dần của đêm.
- Anh có thể nhìn thấy sự giàu có của gia đình em, nhưng anh không biết những nỗi khổ đau em phải chịu. Gia đình chỉ có một mình em, cha mẹ quý đấy, nhưng lại lấy em ra làm vật xúc tác cho công việc làm ăn của họ. Sở dĩ nhà em làm ăn mạnh như thế là vì có sự giúp đỡ của một cán bộ huyện, ông ta cung cấp mối cho cha mẹ em. Từ đó lò mổ được mở rộng và ngày càng phát đạt. Đổi lại, em bị cha mẹ ép lấy gã con trai của ông ta. Gã đó là một tên thô lỗ, lẽ ra em có thể quý gã. Nhưng gã đã ăn hiếp em, mà vì nể gia đình họ, cha mẹ em đã cho qua. Gã đó lại còn cướp mất đời con gái của em nữa. Em hận hắn. Em hận hắn!
Bỗng chốc, Loan không làm chủ được mình hét lên, nước mắt túa ra, cơ thể run trên chiếc xe lăn. Tôi đứng dậy, ôm ghì lấy cô, cố kìm nén cơn xúc động về một nỗi ám ảnh đau thương, có thể gây ra hành động dại dột nào đó. Cơ thể Loan bớt run hơn, nói trong nấc nghẹn:
- Giờ gã đó là tên nghiện hút, cả ngày lêu lổng, cha mẹ không muốn em đi học, là muốn em ở nhà lấy gã.
- Nhưng cha mẹ em thừa biết gã nghiện? - Tôi bức xúc.
- Họ nói, nghiện có thể cai. Em khổ quá anh ơi.
Lúc thân thể Loan nóng hôi hổi trong tay tôi, thì cũng là lúc con bò lớn bị gí điện, ngã vật. Tôi nghe thấy những người khác gọi tên mình, vội buông Loan ra, chạy xuống.
Vùi mình vào những xác bò, với thịt, với xương, với máu me be bét, nhưng đầu óc tôi luôn hiện hữu hình ảnh Loan - nạn nhân của cuộc thí mạng cho tiền tài. Người đời nghĩ cô sướng, cô tiểu thư, nhưng có ai biết thực hư thế nào. Cô đã sướng chưa?
* * *
Năm sau, tôi đỗ đại học, bỏ lại lò mổ và những ám ảnh của máu, sự giết chóc của con người với những chú bò hiền lành. Hồn tôi thấm đẫm tình cảm dạt dào với cô chủ nhỏ trên xe lăn. Đó có thể là một tình thương, hay chỉ là một chút cảm mến. Không biết nữa. Và đêm đêm, tiếng đàn của cô vẫn ngân lên. Loan đã chơi được những bản nhạc của Bach, Bethoveen, Mozart… và cô đang bưng bít lòng mình trong mớ nghĩ suy tiêu cực.
Ở phố, tôi vùi mình vào bài vở, những trình học nặng nề và cần mẫn làm thêm. Tối đến, tôi lại dành thời gian gọi điện cho Loan. Lời nói của cô ngấm nỗi buồn của một con thiên nga gẫy cánh. Tôi hiểu và thương hơn. Tôi biết, trên căn gác ở ngôi nhà có lò mổ ấy, Loan rất mong điện thoại tôi.
- Em phải làm sao hả anh? Sao con bò ấy không giết em để em khỏi nhục nhã?
Loan cũng kể, gã nghiện con cán bộ huyện đã cưới một đứa con gái khác và chẳng hạnh phúc. Tôi động viên cô, an ủi cô và kể cho cô nghe về số phận mình. Không thể đi bằng hai chân trên mặt đất, nhưng người ta có thể đi bằng tinh thần quật cường. Thời gian vèo trôi, tôi qua năm thứ nhất. Một hôm, tôi nhận được điện thoại của Loan, gọi tôi đến Trung tâm trẻ em đường phố. Tôi đến, Loan tự tin trước đám trẻ. Cô như một ngôi sao trong đám trẻ lang thang được tụ tập về mái ấm này. Cô dạy chúng chữ, cắm hoa nghệ thuật và hát. Khi tôi ngồi yên vị ở một chiếc ghế, Loan cất tiếng hát và đám trẻ vỗ nhịp tay làm nhạc.
Loan không chỉ đàn giỏi mà còn hát hay, cô còn là tác giả của bài hát đó. Năm tới, em sẽ dự thi đại học. Cũng như anh đã gán mình vào lò mổ để vươn lên. Em đã tìm thấy tuổi xuân của mình rồi". Tôi hỏi lại em: "Tuổi thanh xuân thứ hai ư? Đó chính là nghị lực tự hồi sinh phải không?". Loan gật đầu cười. Lũ trẻ vỗ tay hoan hô mạnh hơn.