Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tượng đài, phù điêu gắn với phong trào "ba đảm đang"

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên những con đường liên thôn trải bê tông rộng rãi ở Đan Phượng, đâu cũng thấy khang trang, sạch sẽ với cung đường hoa, bích họa và những hàng cây xanh.

Đặc biệt, tại trung tâm ngã ba thị trấn Phùng (đường 32), ai cũng ấn tượng với cụm tượng đài, phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm”

Tượng đài với nhân vật chính là người phụ nữ với tư thế hiên ngang, vai đeo súng, một tay bế con, một tay cầm cày, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Bên dưới bệ tượng là cả một cánh đồng lúa chín; mặt trước bệ là phù điêu đắp nổi hình ảnh máy bay Mỹ bốc cháy; phía sau bên phải tượng đài được bố cục hoành tráng bằng bức phù điêu lớn; bên trên tượng đài chạm nổi hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân ngoài mặt trận; bên dưới tượng đài diễn tả hình ảnh vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu ở hậu phương kèm theo dòng chữ “Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. T

ất cả các hình khối của cụm tượng đài, phù điêu được liên kết với nhau tạo thành một tổng thể hài hòa, hoành tráng nhưng rất gần gũi với mọi người.
Quy mô tượng đài, gồm: tượng cao 5,2m; bệ tượng cao 3m; đài cao 12m, rộng 2,5m; phù điêu cao 4,5m, dài 7m; chất liệu: tượng và bệ tượng được làm bằng đá xanh Thanh Hóa, bệ phù điêu bằng bê tông cốt thép, ốp đá chạm nổi.

Cụm tượng đài, phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm”. Ảnh: Phạm Hùng
Cụm tượng đài, phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm”. Ảnh: Phạm Hùng

Nhìn tổng thể, cụm tượng đài, phù điêu “Đan Phượng quê hương người con gái đảm” có vị trí đẹp với tầm nhìn bao quát rộng lớn. Khối tượng, phù điêu đã thể hiện khái quát được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với vẻ đẹp dung dị nhưng đầy hiên ngang, bất khuất của một thời kỳ oanh liệt, hào hùng của dân tộc. Đây là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thể hiện lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của phụ nữ Đan Phượng nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung trong cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết: đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, hội đã xin ý kiến Huyện ủy phát động phong trào thi đua “Ba đảm nhiệm”. Chỉ sau một tuần phát động, cả huyện đã có 5.635 phụ nữ nộp đơn đăng ký tham gia. Hiệu quả của phong trào được ghi nhận, phản ánh trên trang nhất Báo Nhân Dân, gây được tiếng vang lớn thời đó. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quyết định nhân rộng thành cao trào khắp miền Bắc, với ba nội dung rút gọn: đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

"Sau 2 tháng, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến phong trào của phụ nữ và chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy chia sẻ.

Theo đó, phụ nữ huyện Đan Phượng "tay cày, tay súng" thi đua rất sôi nổi. Chồng con ra chiến trường, phụ nữ ở quê nhà đảm nhận thay tất cả phần việc của nam giới từ phụng dưỡng bố mẹ già, chăm sóc, nuôi dạy con đến cày bừa, sản xuất...

Với những đóng góp của các chị, Đan Phượng trở thành huyện có cánh đồng đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên của miền Bắc. Ngoài ra, phụ nữ các xã còn tổ chức những đợt thi đua gắn với các phong trào “Ba không, ba đảm", “Nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Hai con, ba cây” (con lợn, con cá, cây ngô, cây lúa, cây dâu).

Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Đan Phượng đã viết hàng trăm lá thư động viên chồng con yên tâm chiến đấu và một trong những lá thư đó đã được in trên Báo Quân đội Nhân dân (số 1180, ngày 18/2/1965). Tính đến năm 1973, huyện Đan Phượng có 1.643 phụ nữ có chồng đi chiến đấu, 4.046 bà mẹ có từ 1 đến 5 con nhập ngũ.

Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng có lịch sử đến nay đã gần 60 năm. Những người phụ nữ năm ấy giờ đây cũng đã cao tuổi, người còn, người mất, nhưng họ đã có một lứa tuổi thanh xuân nhiều ý nghĩa và rất đỗi tự hào vì đã góp phần vào sự khởi nguồn của một phong trào cách mạng, tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam.