Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tượng đài “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” xuống cấp: Ai chịu trách nhiệm?

Linh Anh - Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị vừa nhận được phản ánh của người dân về việc tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân (phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) bị xuống cấp, lấn chiếm mất vệ sinh.

Tình trạng này đang cảnh báo những bất cập trong công tác quản lý tượng đài ở phường Quán Thánh nói riêng và ở nhiều địa phương khác nói chung.
Xuống cấp nhiều năm
Ngày 6/7, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” có nhiều rêu mốc, một số vết bong tróc, nứt ở những điểm nối của các khối đá. Trong đó, vết nứt có thể nhìn thấy rõ nhất ở là những tiểu tiết như gươm, bom ba càng trên bức tượng. Mặt khác, trên tượng có những dấu vết của việc viết bậy, xung quanh có rác thải, mùi xú uế.
 Cây xanh che lấp một phần tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tại vườn hoa Vạn Xuân. Ảnh: Lại Tấn
Trao đổi với phóng viên về các vấn đề trên, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh Võ Hồng Vinh cho biết: “Hiện tượng tượng đài xuống cấp đã diễn ra nhiều năm, chúng tôi đã kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền thực hiện việc duy tu. Tuy nhiên, phần tượng đài nếu chỉnh trang phải theo quy trình, có ý kiến của Sở VH&TT, Sở QH&KT Hà Nội và có kỹ thuật chuyên sâu mới chống xuống cấp được”.
Về vấn đề cảnh quan mất vệ sinh, UBND phường Quán Thánh cho biết, trong thời gian qua, lực lượng công an phường đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại khu vực trong khuôn viên và vỉa hè xung quanh vườn hoa Vạn Xuân. Đồng thời, cơ quan chức năng đã đặt barie chuyên dụng để ngăn chặn.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự đô thị tại khu vực này vẫn diễn ra khi không có lực lượng chức năng kiểm tra. Nguyên nhân là do đối tượng vi phạm có nhân thân phức tạp, nguồn thu nhập chính là bán hàng tại vườn hoa, lực lượng chức năng không đủ điều kiện để duy trì công tác ứng trực 24 giờ/7 ngày.
Không để tượng đài bơ vơ
Theo Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn: “Thực tế những tượng đài lớn như tượng đài vua Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lê, tượng đài Quang Trung (Gò Đống Đa)… được các sở ngành, địa phương chú tâm gìn giữ. Còn rất nhiều tượng đài nhỏ trong các công viên, vườn hoa chưa được các địa phương quan tâm chu đáo. Bởi vì giá trị nghệ thuật của tượng đài chưa được nhận thức đúng đắn”.
UBND TP Hà Nội đã từng có văn bản chỉ đạo quận, huyện, thị xã có trách nhiệm trong công tác quản lý các công trình tượng đài nhưng vẫn chưa rõ ràng phần việc nào thuộc trách nhiệm của Sở VH&TT, phần việc nào thuộc trách nhiệm của chính quyền nơi sở hữu tượng đài. Chính vì vậy, trên địa bàn TP vẫn không thiếu các tượng đài bị bỏ quên.
 

Vết nứt xuất hiện trên tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ảnh: Lại Tấn

Theo con số thống kê của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) trong dự thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trên địa bàn Hà Nội có 34 tượng đài. Dự thảo cũng đề xuất xây mới 35 tượng đài. Như vậy, để tạo nên bức tranh hấp dẫn từ giá trị nghệ thuật đến cảnh quan xung quanh công trình tượng đài cần thống nhất trong công tác quản lý tượng đài.
Theo ông Trương Minh Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, người từng trăn trở cùng các chuyên gia xây dựng dự thảo “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, dự thảo xây dựng rất bài bản, theo kế hoạch nếu được ban hành thì Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên có quy hoạch tượng đài. Ngoài mục đích dành quỹ đất trong quy hoạch để xây dựng tượng đài khi điều kiện cho phép, quy hoạch còn giúp công tác quản lý các công trình tượng đài được chặt chẽ và hợp lý hơn. Trong đó, dự thảo quy hoạch bàn đến cả việc di dời các tượng đài không còn phù hợp với không gian đô thị, quy định trách nhiệm bảo dưỡng duy tu thường kỳ.
Song, do vướng phải Luật Quy hoạch sửa đổi nên “Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” chưa được ban hành. Ông Trương Minh Tiến đề xuất, khi chưa thể ban hành quy hoạch, Hà Nội cần sớm hoàn thành hành lang pháp lý phục vụ công tác quản lý hệ thống tượng đài trên toàn TP, không để tình trạng cha chung không ai khóc như hiện nay.
Hiện nay, Sở VH&TT Hà Nội đang xin ý kiến các sở ngành, quận, huyện để trình UBND TP đưa ra Quyết định phân cấp công tác quản lý tượng đài trên địa bàn TP. Trong đó, việc quản lý trông coi sẽ thuộc trách nhiệm của quận, huyện, thị xã; Sở VH&TT sẽ là đơn vị quản lý cấp chuyên ngành như cho ý kiến về vấn đề sửa chữa, duy tu, di dời…
“Sau khi được phân cấp, việc quản lý công trình tượng đài sẽ được quy chuẩn” - Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng Nguyễn Doãn Văn bày tỏ.

"Ban đầu dự định đặt tượng ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và thay thế cho nhóm tượng Cảm tử đặt ở đền Bà Kiệu. Nhưng sau tính toán, tượng đã được đặt ở vườn hoa Bốt Hàng Đậu. Từ khi khánh thành năm 2004, tượng đài này chưa từng một lần được chỉnh trang. Khi biết tượng bị xâm hại tôi cảm thấy buồn nhưng lực bất tòng tâm vì đây thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý." - Nhà điêu khắc Mai Văn Kế - đồng tác giả công trình tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”