Tương lai khó đoán định ở Afghanistan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/9, tại buổi lễ ở Dinh tổng thống, ông Ashraf Ghani đã chính thức tuyên thệ...

Kinhtedothi - Ngày 29/9, tại buổi lễ ở Dinh tổng thống, ông Ashraf Ghani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống Afghanistan, kết thúc 13 năm cầm quyền của ông Hamid Karzai kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ hồi năm 2001 và mở ra một chương mới trong lịch sử của quốc gia Nam Á này.

 Trước sự chứng kiến của khoảng 1.400 quan khách cả ở trong nước và quốc tế, tân Tổng thống Ghani khẳng định, sẽ tuân thủ và đảm bảo thực thi Hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt, ngay sau khi tuyên thệ, ông Ghani đã lập tức ra sắc lệnh bổ nhiệm ông Abdullah Abdullah làm “nhà điều hành cấp cao”, chức vụ mới tương đương với Thủ tướng – bước đi nhằm hiện thực hóa thỏa thuận chia sẻ quyền lực được thông qua hồi giữa tháng 9. Trước đó, cuộc bầu cử tổng thống đã rơi vào bế tắc trong suốt 3 tháng khi cả ông Ghani lẫn ứng cử viên đối thủ Abdullah Abdullah đều tuyên bố giành chiến thắng.
Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) tại lễ tuyên thệ nhậm chức.  	Ảnh: nbc
Tân Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên trái) tại lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: nbc
Tại buổi lễ, ông Ghani và ông Abdullah đã ký thỏa thuận thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc, trong đó quy định Tổng thống đứng đầu nội các, nhưng “người điều hành cấp cao” sẽ quản lý việc thực hiện các chính sách của chính phủ, điều được dự đoán là sẽ gây sóng gió cho chính trường Afghanistan trong tương lai. Việc thiết lập một liên minh cầm quyền giữa hai phe phái đối địch là điều không dễ dàng. Ông Abdullah được sự ủng hộ từ những người Tajiks - nhóm sắc tộc lớn thứ hai tại Afghanistan - và nhiều nhóm sắc tộc khác ở phía Bắc. Trong khi ông Ghani được những bộ tộc người Pashtun ở phía Đông và phía Nam ủng hộ. Vì thế, trong tương lai, sự đối đầu giữa hai thế lực trong chính quyền là khó tránh khỏi, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyết sách ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, chính quyền mới của Afghanistan cũng phải tiếp nhận một “di sản” kinh tế kiệt quệ từ chính quyền tiền nhiệm với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và sự nghèo đói đã khiến nhiều dân thường phải gia nhập binh đoàn đánh thuê của các lực lượng phiến quân. Lễ nhậm chức Tổng thống diễn ra trong bối cảnh an ninh được tăng cường tại Kabul do lo ngại phiến quân Taliban tìm cách phá hoại đã phần nào mô tả bức tranh an ninh đầy bất ổn tại quốc gia này. Cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan là một trong những vấn đề lớn mà chính quyền mới ở Afghanistan phải tiếp nhận khi lực lượng này gia tăng hoạt động trong những tháng gần đây. Ngay trong ngày diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống, một vụ đánh bom liều chết bằng ô tô đã làm rung chuyển thị trấn Zarmat, phía Đông tỉnh Paktia, khiến nhiều người bị thương.

Việc Afghanistan tiếp tục đối mặt với một tương lai đầy bất trắc là điều không thể nghi ngờ, tuy nhiên, tiến trình “thiết lập” chính phủ là một trong những bước đi quan trọng để củng cố năng lực của nhà nước Hồi giáo trong cuộc chiến chống lại Taliban. Hiện, mọi con mắt đang đổ dồn vào tân Tổng thống Ghani với thử thách đầu tiên là ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ, cho phép 12.500 binh sĩ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu ở lại Afghanistan nhằm huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát mới của nước này.