Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai nào cho thanh toán trực tuyến

Đức Toàn - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chủ đề được đưa ra tại Diễn đàn Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức sáng ngày 20/8/2020 tại Hà Nội.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tổng công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo).

 
Việt Nam vẫn là quốc gia phát triển sau về chuỗi cửa hàng tiện lợi nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng giá trị của cửa hàng tiện lợi, cửa hàng mini là 27% trong khi Hàn Quốc và Philippines là 14%, Thái Lan và Malaysia là 5%... Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%, … 
Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các Doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, hiện có khoảng 7.000 khiếu nại nói chung của khách hàng, khoảng 2.000 khiếu nại liên quan đến thương mại điện tử. Tuy nhiên, những khiếu nại này hầu hết đã xảy ra đã lâu nên khi gửi đến cơ quan nhà nước thì rất thiếu cơ chế để xử lý.
  Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)
Để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Đức Anh cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Bộ 5 tiêu chuẩn tín nhiệm thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể gồm: Thanh toán đảm bảo; Dịch vụ mua hàng Frime (Vỏ hộp, Tracking); Ứng dụng chứng từ điện tử; Bảo vệ quyền lợi khách hàng; Thống kê đánh giá quá trình giải quyết khiếu nại của khách hàng.
Đánh giá về Bộ tiêu chuẩn, TS Võ Trí Thành cho rằng, thương mại điện tử đang có nhiều điểm nghẽn cần được khơi thông. Nhìn vào Bộ tiêu chuẩn có thể thấy hai câu chuyện. Một là sự tin cậy, phản ánh sự minh bạch thông tin trên thế giới số và giao dịch thực. Thứ hai, vì thiếu sự tin cậy nên ai cũng muốn mình được "nắm đằng chuôi". Bài toán đặt ra là, làm thế nào để cân bằng được lợi ích giữa các bên?
"Bộ tiêu chuẩn trên có thể thấy là rất tức thời, hy vọng sẽ có lời giải cho bài toán trên" - TS Võ Trí Thành nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Ôn Như Bình, Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPAY, cho biết, hiện có rất nhiều ngành nghề ứng dụng thanh toán không tiền mặt.Cụ thể là hành chính công; bán lẻ; điện máy, gia dụng, điện thoại; thời trang; nhà hàng, quán ăn; bệnh viện, nhà thuốc; dịch vụ du lịch; giao thông; bất động sản…
  Ông Ôn Như Bình, Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPAY
Cũng theo ý kiến các doanh nghiệp, cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử của người Việt.
Ngoài ra, cần có các chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng. Song song với việc siết chặt các quy định bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc bảo vệ các doanh nghiệp thương mại điện tử tuân thủ pháp luật hoặc làm tốt…
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đã đưa ra các giải pháp chuyển mình nắm bắt cơ hội cho các doanh nghiệp để phù hợp với thị trường công nghệ mới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng có ý kiến nhận định về những tiện ích, rủi ro mà xu hướng tiêu dùng mới mang lại cho tương lai thanh toán không dùng tiền mặt cũng như những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp.