Theo cuốn Ngọc Phả về Đức Thánh Tản còn lưu giữ tại Đền Trung, ngày thân mẫu Đinh Thị Đen sinh Thánh Tản Viên Sơn là ngày 15 tháng Giêng và ngày Đức Tản Viên hóa Thánh là mùng 6 tháng 11 Âm lịch. Từ xa xưa, Nhân dân vẫn lấy ngày mùng 6 tháng 11 Âm lịch là ngày giỗ của Đức Thánh Tản Viên Sơn.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Mạnh Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, toàn huyện có 394 di tích thì có tới hơn 100 di tích thờ Thánh Tản Viên Sơn. Đặc biệt, cụm di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ được coi là nơi phát tích của truyền thuyết Tản Viên Sơn. Tuy hệ thống di tích thờ Thánh Tản trên địa bàn huyện Ba Vì đậm đặc nhưng lại chưa có mối liên kết gắn bó giữa các di tích với nhau. Do đó, lễ hội Tản Viên Sơn vẫn diễn ra lẻ tẻ, đơn điệu, không tái hiện hết được các diễn xướng dân gian truyền thống gắn với Thánh Tản trong đời thường.Ông Hưng cũng cho biết thêm, lễ hội tại các di tích trên địa bàn huyện thờ Đức Thánh Tản chủ yếu diễn ra vào tháng Giêng, Hai, Ba. Có những di tích chỉ tổ chức lễ hội vào Rằm tháng Giêng tưởng nhớ ngày sinh Đức Thánh Tản mà không tổ chức nghi thức tưởng niệm ngày Thánh hóa, thậm chí có nhiều nơi, Nhân dân không rõ ngày Thánh hóa.
Nhân dân dâng hương tưởng niệm ngày hóa Đức Tản Viên Sơn Thánh. |