Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa, việc đeo kính áp tròng không đúng chỉ định có thể gây hại cho mắt như ngứa rát, đỏ mắt, viêm kết mạc, thậm chí gây mù vĩnh viễn.
Xu hướng thời trang
Không chỉ quần áo, giày dép, túi xách… phối màu thời trang, mà việc chọn kính áp tròng làm đẹp với đủ các gam màu khác nhau đang là một xu hướng vô cùng “hot” của những bạn trẻ sành điệu. Trên các trạng mạng, nhiều nhãn hàng kính áp tròng tung ra đủ chiêu quảng cáo hút khách, đưa nhiều tên tuổi ca sĩ, người mẫu, diễn viên nổi tiếng với những lời có cánh. Các loại kính áp tròng thông dụng có nhiều gam màu như xanh, nâu, đỏ, vàng, đen…, người sử dụng có thể tùy chọn để phù hợp vào màu mắt, màu da, tóc của mình. Bên cạnh đó, trên thị trường còn tung ra nhiều loại kính áp tròng được quảng cáo “cực độc” như kính áp tròng giả mắt mèo, mắt rồng, hình ngựa vằn, hình chuột Mickey, Hello Kitty…
Sự việc một nữ sinh 18 tuổi người Anh bị một loại ký sinh trùng đào hang trong mắt và ăn giác mạc từ trong ra ngoài vì nhiễm khuẩn từ kính áp tròng mới đây đã khiến nhiều người giật mình vì mối nguy hại khôn lường của nó. Nặng hơn, một cô giáo 42 tuổi ở Anh đã phải khoét bỏ mắt trái do nhiễm nấm Fusarium vì đeo kính áp tròng… Tại TP Hồ Chí Minh cũng đã có trường hợp một hot girl bị viêm giác mạc cấp do dùng kính áp tròng. Còn tại Bệnh viện Mắt T.Ư, các bác sĩ từng tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương mắt do sử dụng kính áp tròng dẫn đến viêm giác mạc vì nhiễm khuẩn, loét giác mạc do kính cọ xát liên tục lên giác mạc…
Thận trọng khi sử dụng
Theo BS Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt T.Ư, số người lựa chọn kính áp tròng cận thị để điều chỉnh tật khúc xạ ở mắt không nhiều, mà chủ yếu là các bạn trẻ thích chạy theo thời trang, dùng kính không số có màu sắc đa dạng để đổi màu cho mắt mà không lường trước được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. BS Hoàng Cương phân tích, dùng kính không đúng cách có khả năng gây viêm nhiễm cho mắt, nước máy, nước biển, hồ bơi… có thể chứa nhiều amíp, ký sinh trùng. Khi tiếp xúc với nước, ký sinh trùng gây bệnh dễ xâm nhập và trú ngụ quanh viền kính áp tròng, gây viêm loét giác mạc, thậm chí có thể gây mù mắt.
Các nghiên cứu cũng chỉ rõ, nếu sử dụng kính áp tròng quá 3 năm có thể gây tổn thương ở mắt, khiến mắt dễ viêm nhiễm. Hơn nữa, bản chất kính áp tròng là một hợp chất, nó có thể gây dị ứng, kích ứng với từng người. Vì vậy theo bác sĩ Cương, nếu muốn đeo kính áp tròng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và tư vấn. Bệnh nhân cần làm giác mạc đồ để tính toán độ cong của giác mạc, nhằm chọn được cặp kính phù hợp. Khi đeo kính, có thể bị đau rát do kính sai kích cỡ, có dị vật lọt vào mắt, kính bị hỏng, xước giác mạc, các viêm nhiễm giác mạc. Nếu có những biểu hiện này, người dùng cần đi khám và điều trị kịp thời.
Trong quá trình sử dụng, nếu giảm lượng nước mắt, viêm kết mạc có nhú gai khổng lồ, không dung nạp được kính, dị ứng với hóa chất trong các dung dịch, cần tháo ngay kính ra. Nếu không tháo được hoặc quá trình tháo gặp sự cố, nên đến bác sĩ chuyên khoa nhờ giúp đỡ, không nên cố tháo kính, sẽ gây hại cho mắt. Đối với trường hợp bị khô mắt, người viêm nhiễm mạn tính tại mi và giác mạc không nên sử dụng kính áp tròng.