Tùy tiện trong việc sơn sửa Nhà hát Lớn Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước việc Nhà hát Lớn Hà Nội – công trình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia bỗng dưng khoác lên mình lớp áo mới.

Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi được sơn mới chiều 24/7.  	Ảnh: Thanh Hải
Nhà hát Lớn Hà Nội sau khi được sơn mới chiều 24/7. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều ý kiến cho rằng, màu vàng chói của lớp sơn mới đã phá nát công trình hơn 100 tuổi, mang vẻ đẹp quý phái của Thủ đô. Thế nhưng, khi hỏi các chuyên gia hàng đầu về di sản, kiến trúc đều cho biết, không được cơ quan chức năng tham vấn trước khi thực hiện việc duy tu này.

Đúng quy trình hay “lách” luật?

Ngay sau khi xảy ra sự việc sơn sửa Nhà hát Lớn Hà Nội, phóng viên Báo Kinh tế&Đô thị đã trao đổi với đại diện Cục Di sản, đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội đều nhận được câu trả lời rằng không hay biết gì việc duy tu lần này. Mặc dù, trả lời một số cơ quan truyền thông, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Quyền Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết: “Tu sửa công trình là chủ trương của Bộ, cũng được đấu thầu công khai, chứ đơn vị không tự tiến hành, vì tiền tu bổ là tiền ngân sách Nhà nước”. Bà Nguyệt còn viện dẫn quyết định số 1508/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình cải tạo sơn tường và một số hạng mục của Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo quy định của điều 34 Luật Di sản, với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, việc bảo quản, tu bổ và phục hồi phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phải bảo đảm giữ gìn tối đa nguyên gốc. Ở đây thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ VHTT&DL, song cũng cần có sự tham vấn từ đơn vị chuyên ngành, cụ thể là Cục Di sản và Sở VHTT&DL Hà Nội (địa phương sở hữu di tích) và các nhà khoa học.

Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội cũng cho rằng, đơn vị đã tham khảo ý kiến của KTS Lê Thành Vinh – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, người từng có thời gian gắn bó với Nhà hát. Ngoài KTS Lê Thành Vinh, các KTS, nhà nghiên cứu văn hóa uy tín khác như: GS.KTS Hoàng Đạo Kính, GS.TS Lưu Trần Tiêu, PGS.TS Đặng Văn Bài… khi được hỏi đều không hay biết dự án cải tạo sơn tường của công trình hơn 100 tuổi. “Là người chịu trách nhiệm lớn nhất trong cuộc trùng tu Nhà hát Lớn giai đoạn 1994 – 1997, bản thân tôi cảm thấy tiếc khi công trình này bị sơn màu vàng chói như vậy. Chúng tôi, những người làm trùng tu thời đó còn đây. Vậy mà khi sơn mới không hề được tham vấn ý kiến chuyên môn” – KTS Hoàng Đạo Kính cho biết.

Trước sức nóng của dư luận, chiều 23/7, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã chủ trì cuộc họp về việc sửa sang Nhà hát Lớn Hà Nội với lãnh đạo các Cục Di sản, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Viện Bảo tồn di tích... Cuộc họp kéo dài đến tận chiều muộn để giúp Bộ VHTT&DL có câu trả lời chính xác với công luận. “Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình quốc gia trực thuộc Bộ VHTT&DL (không phải công trình trực thuộc Hà Nội). Việc triển khai cải tạo sơn tường hay cải tạo bên trong nhà hát, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội đã thực hiện đúng quy trình, có xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền và được sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ trước khi thực hiện” – ông Phan Đình Tân – người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho biết.

Theo ý kiến của một PGS.TS, nguyên Cục trưởng Cục Di sản cũng nhận định: “Việc sơn sửa mặt tiền Nhà hát Lớn hay việc các công trình bên trong là việc duy tu theo định kỳ, không cần thiết phải có sự thỏa thuận của Cục Di sản, mà chỉ cần sự chấp thuận của cơ quan cấp trên, trực tiếp quản lý là lãnh đạo Bộ VHTT&DL. Hơn nữa, việc sơn sửa này cũng không đến mức làm biến dạng di tích nên cũng không nên cứng nhắc theo các thủ tục của Luật Di sản. Một ngôi chùa di tích cấp quốc gia bị vỡ viên ngói cũng cần làm đủ thứ thủ tục xin phép thì chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hình ảnh đội nón cho tượng Phật như ở chùa Một Cột ngày nào”. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, Nhà hát Lớn Hà Nội là công trình đặc biệt quan trọng của Thủ đô, nằm ở vị trí đông người qua lại nên trước khi duy tu, đơn vị quản lý cần thận trọng hơn, xin ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tránh được phản ứng của dư luận như hiện nay. Đồng quan điểm, KTS Hồ Thiệu Trị - người từng tham gia quá trình trùng tu công trình Nhà hát Lớn năm 1997 bày tỏ: “Nếu theo quy trình, việc liên quan đến một công trình văn hóa quan trọng, được ghi danh là một di sản kiến trúc, thì tất cả những vấn đề liên quan đến việc cải tạo, hay thay đổi màu sắc, hình dáng bên ngoài đều phải có quy trình chặt chẽ, phải hỏi ý kiến và nhận được sự chấp thuận của cơ quan về bảo tồn, bảo tàng, cơ quan quản lý về di sản”.

Nên sơn lại

Trước phản ứng của dư luận về màu sơn vàng chóe, quá mới so với di tích quý phái, sang trọng của Nhà hát Lớn, ông Phan Đình Tân khẳng định khi tiến hành chọn màu sơn, Bộ cũng đã lưu ý Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phải lựa chọn màu giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trùng tu năm 1997. Theo báo cáo của Ban quản lý, đến thời điểm hiện tại, việc sơn lại Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ vừa bắt đầu và ít nhất phải một tháng nữa mới hoàn thành. Ngoài lớp sơn đầu tiên đang được phủ lên, phía thi công sẽ phải sơn tiếp, vì vậy, màu sơn một số cơ quan báo chí phản ánh vừa qua không phải là màu sơn cuối cùng, chắc chắn khi hoàn thành, nước sơn chính thức sẽ giống với màu sơn được sử dụng trong đợt trùng tu năm 1997.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại, màu sơn của Nhà hát Lớn khi trùng tu năm 1997 được nghiên cứu rất kỹ. Khi đó, trực tiếp Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) Nguyễn Khoa Điềm mời các chuyên gia người Pháp tư vấn và giám sát. Việc chọn màu trước đây không phải ngẫu nhiên, mà là màu đặc trưng của các khu nhà Pháp, có sự tính toán, pha chế phù hợp với màu của quảng trường. Việc sơn sửa lần này xem ra quá vội vàng. “Màu sắc mới làm phá nát không gian kiến trúc của di tích lịch sử, nên chọn màu sơn cũ thì hài hòa hơn và cần học hỏi tòa nhà Bưu điện TP Hồ Chí Minh là người ta làm lại, mình càng nên làm lại” – GS.KTS Hoàng Đạo Kính bày tỏ. Hoặc phải chờ 1 - 2 năm nữa, khi màu sơn mới nhạt bớt, vẻ đẹp của Nhà hát Lớn Hà Nội mới trở lại phần nào như trước.

Chắc chắn, cho đến lúc này dù cơ quan quản lý có bao biện, cho rằng việc duy tu là đúng luật, màu sơn hiện tại chỉ là màu sơn lót, sơn thử nghiệm thì cũng không thể vừa lòng dư luận. Bởi với một công trình văn hóa trọng điểm không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước, một di sản sở hữu giá trị văn hóa lịch sử lớn không thể là món đồ “thử nghiệm” của nhà quản lý.