Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên án Hứa Thị Phấn 30 năm tù, buộc Công ty Phương Trang trả 6.406 tỷ đồng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐXX nhận định, bị cáo Phấn giữ vai trò chủ mưu trong vụ án, thao túng toàn bộ hoạt động TrustBank, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi sai phạm gây thiệt hại cho Trustbank gần 20.000 tỷ đồng.

 Các bị cáo tại phiên tòa.
14 bị cáo hưởng án treo, 4 bị cáo được trả tự do
Lúc 19h tối 31/5, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh phiên sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trustbank.

Ngoài bị cáo Hứa Thị Phấn bị xử 30 năm tù (tổng hợp với bản án của TAND TP Hà Nội là 30 năm tù) với 2 tội danh trên, còn có bị cáo Bùi Thị Kim Loan (SN 1978, nguyên Kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ) bị tuyên 28 năm tù; Ngô Kim Huệ (SN 1980, nguyên Phó TGĐ Trustbank) 10 năm tù. HĐXX nhận định bị cáo Loan và Huệ giữ vai trò giúp sức tích cực. Tại tòa bị cáo Loan không nhận tội, khai báo quanh co.

Nhóm bị cáo cùng bị xử tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Ngô Thị Ngân bị tuyên 10 năm; Hoàng Văn Toàn (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT Trustbank, trước đó đã bị xử 7 năm tù) 7 năm; Trần Sơn Nam (SN 1969, nguyên Tổng Giám đốc Trustbank, trước đó bị xử 6 năm) 6 năm và Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc TrustAsset) 5 năm; Lâm Hồng Trinh (SN 1967, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trustbank, trước đó bị 3 năm tù) 4 năm. Các bị cáo Vũ Thị Như Thảo 4 năm, Huỳnh Thị Băng Tâm 3 năm, Lâm Kim Thu 3 năm, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết 2 năm, Nguyễn Kim Thanh (chồng bị cáo Loan), 3 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo cũng bị xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, do ăn năn hối cải, giúp cơ quan điều tra bóc tách những góc khuất của vụ án, giúp phát hiện nhiều khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng, có bị cáo đóng góp trực tiếp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gia đình có công cách mạng. Vì vậy HĐXX tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo, gồm: bị cáo Nguyễn Vĩnh Mậu (SN 1943, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Trustbank, cựu tù chính trị), Trịnh Thị Hiền Trang, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Hứa Thị Bích Hạnh, Trần Điền Ngọc Hân, Đỗ Thị Hồng Nhung, Hà Thu Thảo, Đường Bửu Nhìn.

Có 6 bị cáo bị đề nghị tù giam và đã bị tạm giam, nhưng HĐXX hạ xuống án tù treo, gồm: Lê Thị Tuyết Anh, Bùi Thế Nghiệp, Văn Bùi Hồng Thi (cùng 3 năm), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (2 năm), Trần Ngọc Bích (2 năm), Trần Thị Hoàng Nga (2 năm). HĐXX cũng tuyên trả tự do cho 4 bị cáo vì được giảm từ án tù sang án treo vì thời gian bị giam giữ quy đổi bằng thời hạn của án treo.

Riêng bị cáo Lâm Kim Dũng (SN 1955, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang – công ty của bị cáo Phấn cho Dũng đứng tên) bị tuyên mức án 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Buộc nhóm Phương Trang trả trên 6.406 tỷ đồng

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Hứa Thị Phấn phải bồi thường số tiền trên 15.691 tỷ đồng (gốc, lãi) tính đến ngày khởi tố vụ án (9/9/2016) cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank).

Buộc Công ty CP Đầu tư Phương Trang và các công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh với Phương Trang (nhóm Phương Trang) phải thanh toán cho CBBank tổng cộng trên 6.406 tỷ đồng gốc, lãi tính đến ngày khởi tố vụ án. Buộc Tổng Công ty CP XD Điện Việt Nam nộp lại 200 tỷ, bà Lý Kim Chi nộp lại 32,5 tỷ, Ngân hàng TMCP An Bình nộp lại 78 tỷ, Agribank Trung tâm Sài Gòn cùng nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng phải nộp trả cho CBBank hàng trăm tỷ đồng vì đây là vật chứng vụ án.

Tiếp tục kê biên trên 30 bất động sản (BĐS) cùng 221 ôtô là tài sản của nhóm Phương Trang cầm cố tại Trustbank để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản vay. Đối với đề nghị của nhóm Phương Trang cho rằng bị thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng, HĐXX cho rằng không có căn cứ.

Tiếp tục kê biên các BĐS, tài sản, cổ phần, cổ phiếu chứng khoán, tiền (đang bị kê biên, phong tỏa) đã xác định của bị cáo Phấn và những người khác đứng tên giúp bị cáo Phấn để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Phấn đối với CBBank; Thu hồi các khoản tiền từ nguồn tiền được xác định là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả cho CBBank.

Đối với 114 BĐS và các tài sản đang bị kê biên liên quan đến 29 khoản vay giữa nhóm Phú Mỹ của Hứa Thị Phấn với Tập đoàn Thiên Thanh do bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) tiếp tục kê biên để xem xét và xử lý trong giai đoạn sau.

Đối với các yêu cầu giải tỏa kê biên các BĐS của ông Trương Công Bình và ông Trương Đoàn Quốc Dũng (4 BĐS), HĐXX tuyên tiếp tục kê biên, giữa 2 cá nhân này với nhóm Phương Trang kiện bằng vụ án dân sự khác. Đối với 18 BĐS của Agribank Trung tâm Sài Gòn được giải tỏa kê biên để phát mãi nhằm lấy lại tiền trả CBBank. Các tài sản liên quan đang bị kê biên, có căn cứ đã chuyển giao cho người khác theo đúng quy định pháp luật, HĐXX tuyên giải tỏa kê biên trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Các quan hệ dân sự còn lại do các bên kiện dân sự.
Kiến nghị khởi tố thêm vụ án

HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an xem xét khởi tố với Hứa Thị Phấn ở giai đoạn sau của vụ án; xem xét trách nhiệm hình sự nguyên Phó Giám đốc Trustbank chi nhánh Sài Gòn; Tiếp tục rà soát các tài sản của các cá nhân, tổ chức liên quan vụ án nhưng chưa bị phát hiện để thu hồi. Kiến nghị Cục thuế TP Hồ Chí Minh xem xét xử lý các cán bộ liên quan việc tính thuế TNCN đối với Hứa Thị Phấn trong việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3...