Theo hãng tin Aljazeera, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24/6 cáo buộc việc phương Tây ngăn chặn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này mới là nguồn cơn gây nên khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới mở rộng (BRICS+), nơi quy tụ lãnh đạo 17 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, Tổng thống Putin chỉ ra rằng, thị trường lương thực toàn cầu đang mất cân bằng một cách nghiêm trọng.
"Giá nông sản, chẳng hạn như ngũ cốc, tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước đang phát triển, các thị trường đang phát triển, nơi bánh mì và bột mì là những phương tiện sinh tồn cần thiết cho phần lớn dân số" - Tổng thống Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cáo buộc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã "gây bất ổn sản xuất nông nghiệp toàn cầu" với việc hạn chế vận chuyển phân bón từ Nga và Belarus, đồng thời, "gây khó khăn" cho Moscow trong việc xuất khẩu ngũ cốc.
Theo Tổng thống Putin, tình trạng ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự và điều này "không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trên thị trường ngũ cốc toàn cầu".
Người đứng đầu Điện Kremlin Putin khẳng định, Nga là một "tác nhân có trách nhiệm trên thị trường lương thực toàn cầu" và sẵn sàng "thực hiện một cách trung thực mọi nghĩa vụ theo hợp đồng".
Trước đó cùng ngày, tại cuộc họp cấp bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), ngoại trưởng các nước đã nhất trí lên án việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã khơi mào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay, theo Kyodo News.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, G7 nhấn mạnh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đang làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, bao gồm việc phong tỏa Biển Đen, ném bom các hầm chứa ngũ cốc và cảng biển, đồng thời làm hư hại cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraine”.
Theo tuyên bố, tất cả các lệnh trừng phạt của nhóm G7 “bao gồm các trường hợp miễn trừ cho phép các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu”.
Tại cuộc họp, các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm khẩn cấp mở lại tuyến đường Biển Đen để xuất khẩu ngũ cốc, cũng như việc chuyển cây trồng bằng đường bộ, đường sắt tới các thị trường trên thế giới.
Gần đây, Nga và Ukraine đổ lỗi nhau về chuyện rải mìn tại Biển Đen dẫn đến hậu quả việc di chuyển tàu thuyền bị gián đoạn và hoạt động xuất khẩu ngũ cốc bị đình trệ.