Thông tin trên được hãng tin Bloomberg thông báo hôm 22/8 khi trích dẫn báo cáo từ cơ quan hàng hải của Đức.
Theo dữ liệu từ Maine Traffic, tàu rải ống Fortuna của Nga hiện đang hoạt động trong lãnh hải của Đức. Con tàu này bắt đầu lắp đặt phần đường ống còn dang dở của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 từ cuối tháng 7 vừa qua.
Việc thực hiện dự án khí đốt của Nga bị gián đoạn vào tháng 12/2019, sau khi công ty lắp đặt đường ống Allseas đình chỉ hoạt động xây dựng do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Dự án được nối lại hoạt động thi công vào tháng 12/2020.
Ngày 21/7 vừa qua, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận cho phép hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - bước đột phá chấm dứt tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa hai đồng minh.
Theo thỏa thuận này, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga "tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine".
Đức và Mỹ nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine (theo kế hoạch hết hiệu lực vào năm 2024), kéo dài thêm 10 năm nữa.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.230 km, hiện đã hoàn thành 99%, giúp tăng gấp đôi công suất vận chuyển khí đốt của Nga so với Dòng chảy phương Bắc 1 và đảm bảo nguồn cung cấp cho các nước Tây Âu qua biển Baltic.
Mỹ và các đồng minh ở Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine phản đối việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2. Washington đã áp đặt hai đợt trừng phạt đối với Nga, và cáo buộc rằng một khi Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, châu Âu sẽ trở nên phụ thuộc vào khí đốt của Nga hơn.
Về phần mình, Nga khẳng định rằng dự án này hoàn toàn là một nỗ lực kinh tế và sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine theo các hợp đồng hiện tại.