Tuyến cáp quang biển quốc tế APG gặp sự cố

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam (ISP) cho biết cáp quang biển quốc tế APG đang gặp sự cố phân đoạn S3, gây mất 250G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Nhật, Mỹ.

Đại diện ISP tại Việt Nam cũng cho biết, trong quá trình sửa chữa cáp Asia Pacific Gateway (APG) từ ngày 24/11 đến 29/11, hệ thống sẽ đóng nguồn trạm cập bờ HKG (HongKong, Trung Quốc), do đó gây gián đoạn kết nối trên tuyến cáp biển này. Dự kiến, cáp biển APG sẽ khôi phục toàn bộ lưu lượng trên tuyến vào ngày 29/11.
 Tuyến cáp quang biển APG đang gặp sự cố. Ảnh minh họa 
Điều đáng nói là hiện nay ngoài APG, còn có 2 tuyến cáp quang biển quốc tế khác cũng bị gián đoạn dịch vụ, hoặc chưa khôi phục hoàn toàn dung lượng kết nối do gặp sự cố trước đó, gồm Asia America Gateway (AAG) và Asia Africa Europe 1 (AAE-1).

Cụ thể, AAG bị lỗi rò nguồn trên nhánh S1I vào tối 22/10 và nhánh cáp hướng kết nối Việt Nam - Singapore cũng bị lỗi từ cuối tháng 10. Hệ thống đã được đối tác quốc tế lên lịch sửa chữa, dự kiến hoàn thành vào ngày 15/12

Đối với AAE-1, ngày 20/11, tàu sửa cáp đã khắc phục xong lỗi trên phân đoạn S1H.3, tạm thời khôi phục dịch vụ trên tuyến cáp AAE-1. Hiện tại, tàu đang tiếp tục tiến hành sửa chữa lỗi còn lại trên phân đoạn S1H.4, dự kiến hoàn thành vào ngày 27/11. Khi đó, kết nối quốc tế trên tuyến cáp quang biển AAE-1 sẽ ổn định trở lại.

Tuyến cáp biển APG đã lần lượt vào tháng 1, tháng 5 và tháng 10. Với lần gặp sự cố đầu tiên trong năm 2021, APG bị đứt trên nhánh S3 và S6, khôi phục hoàn toàn kênh truyền trên tuyến vào ngày 24/2.

Ở lần thứ 2 gặp sự cố vào ngày 11/5, cáp APG bị lỗi rò nguồn trên phân đoạn S6 và được khắc phục lỗi vào đầu tháng 6, hoàn thành vào ngày 11/6.

Trong lần gặp sự cố thứ 3 trong năm 2021, vào ngày 29/10, tuyến cáp biển APG xảy ra lỗi cáp trên phân đoạn S3, gây mất 250G kết nối Việt Nam - Nhật, Mỹ trên cáp APG.

Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. APG có chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. 

Tuyến cáp biển này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần