Tuyển sinh 2023: Cải tiến về công nghệ, giảm sai sót cho thí sinh

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với quan điểm tạo công bằng và thuận lợi tối đa cho thí sinh, công tác tuyển sinh năm 2023 giữ ổn định như năm 2022 nhưng sẽ có cải tiến về kỹ thuật cùng một số điều chỉnh, do đó thí sinh phải nghiêm túc tìm hiểu quy chế và không được phép chủ quan.

Tập huấn việc thực hiện quy chế

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học đều thực hiện theo hình thức trực tuyến, điều này tạo thuận lợi rất lớn đối với tất cả thí sinh.

Thí sinh cần nghiêm túc trong tìm hiểu quy chế tuyển sinh
Thí sinh cần nghiêm túc trong tìm hiểu quy chế tuyển sinh

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh 2022 vẫn còn xảy ra hiện tượng một số thí sinh chưa nắm vững quy chế, đối tượng, khu vực ưu tiên, thời gian nộp các minh chứng để xác định ưu tiên; thí sinh tự do không tạo tài khoản trên hệ thống, không nộp minh chứng để xét tuyển cho cơ sở đào tạo, không thực hiện hết quy trình đăng ký xét tuyển, hoặc đăng ký vào các ngành/trường không đủ điều kiện sơ tuyển.

Ngoài ra, vẫn có thí sinh chưa suy nghĩ nghiêm túc về ngành nghề mình lựa chọn dẫn đến việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng xét tuyển chưa phù hợp với sở thích, sở trường, điều kiện của bản thân và gia đình… Những nhầm lẫn và sai sót cả chủ quan, khách quan trên đã tạo nên rắc rối đáng tiếc, gây thiệt thòi cho thí sinh và các cơ sở đào tạo cũng mất nhiều thời gian giải quyết.

Do vậy, trong mùa tuyển sinh năm 2023, để đơn giản hóa thủ tục và giảm thiểu các sai sót cho các thí sinh, đồng thời tạo điều kiện cho các trường tham gia hệ thống chủ động hơn, có đầy đủ dữ liệu hơn để thuận tiện trong quá trình xét tuyển của mình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn yêu cầu các Sở GD&ĐT sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu, trong đó có mã định danh, căn cước công dân cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12. Những điểm kết quả học tập như học bạ cần cập nhật luôn và đầy đủ để các cơ sở đào tạo có cơ sở dữ liệu thực hiện việc xét tuyển.

Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến nội dung ngay từ đầu để tạo công bằng thông tin cho tất cả thí sinh, giúp thí sinh không bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống và để các em có trách nhiệm trong quá trình đăng ký.

3 điểm mới cần lưu ý

Thay đổi quan trọng nhất trong kỳ tuyển sinh 2023 là sự điều chỉnh về chính sách ưu tiên. Chính sách ưu tiên khu vực trong tuyển sinh vẫn giữ nguyên 4 khu vực (ưu tiên khu vực 1 là 0,75 điểm, khu vực 2 - nông thôn là 0,5 điểm, khu vực 2 là 0,25 điểm và khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên) nhưng năm nay, chính sách ưu tiên này sẽ giảm tuyến tính.

Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên. Như vậy, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên sẽ bắt đầu giảm dần đến 0 khi thí sinh đạt tổng 30 điểm/3 môn.

Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực.

Năm 2023 có điều chỉnh lớn về cách tính điểm ưu tiên (Ảnh: VNU)
Năm 2023, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên (Ảnh: VNU)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho hay, trước khi đưa ra điều chỉnh này, Bộ GD&ĐT đã có những thống kê, phân tích trên dữ liệu tuyển sinh thực tế các năm qua.

Ví dụ, năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng. Vì thế, điều chỉnh này nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, cao đẳng như đã từng xảy ra.

Thay đổi thứ hai là, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Do vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển ĐH từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Một thay đổi nữa so với năm 2022, đó là năm 2023, khâu kỹ thuật trong xét tuyển được đơn giản hóa, các thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh hay theo ngành, thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển. Như vậy, dù các em sử dụng phương thức xét tuyển nào thì khi đăng ký vào ngành học mong muốn, các em có thể sử dụng bất cứ kết quả nào mình đang có để trúng tuyển vào ngành. Việc này sẽ giúp tránh được rất nhiều sai sót cho thí sinh.

Trên cơ sở phân tích một số lỗi vẫn mắc phải trong năm 2022 và những điều chỉnh trong công tác tuyển sinh năm 2023, các thí sinh chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh năm nay cần đặc biệt lưu ý, tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh để có thông tin đầy đủ và toàn diện nhất.

Được biết, trong tháng 3, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết, thời hạn cụ thể để các cơ sở đào tạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới điều kiện bảo đảm chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và chương trình đào tạo.