Giữ tinh thần học tập nghiêm túc
Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng là chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Tại buổi tọa đàm diễn ra mới đây, đại diện đến từ nhiều trường đại học tiếp tục nêu đề xuất về việc, có thể bỏ hẳn xét tuyển sớm. Đây là một trong những thông tin thí sinh cần quan tâm, lưu ý để xác định phương thức, hình thức xét tuyển mình sẽ lựa chọn, sử dụng trong mùa tuyển sinh sắp tới.
Trong nội dung dự thảo, việc xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ) sẽ được siết chặt. Cụ thể, thay vì chỉ xét điểm 4 - 5 học kỳ (học bạ lớp 10, 11 và kỳ 1 lớp 12) như trước thì từ năm nay, các trường đại học sẽ xét tuyển điểm đủ 6 kỳ, bao gồm cả kỳ 2 của lớp 12. Điều này đồng nghĩa với việc, học sinh sẽ phải học tập nghiêm túc đến hết năm học (hết 31/5), tránh hiện tượng học sinh biết mình đỗ đại học ngay khi kết thúc học kỳ 1 và sao nhãng học tập. Ngoài ra, việc siết điều kiện xét tuyển học bạ cũng bảo đảm đánh giá kiến thức của học sinh trong toàn cấp THPT, giúp học sinh không học lệch hoặc bỏ không học một số môn ở học kỳ 2 năm lớp 12 vì chỉ học các môn để thi tốt nghiệp.
Việc giảm quy mô xét tuyển sớm, tăng điều kiện xét học bạ cũng làm giảm việc thí sinh làm hồ sơ đăng ký vào nhiều cơ sở đào tạo, dẫn đến các trường THPT mất rất nhiều thời gian, công sức để sao in học bạ, xác nhận hồ sơ cho thí sinh trong giai đoạn cao điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh, học sinh lớp 12 sẽ phải giữ tinh thần học tập nghiêm túc đến hết năm học hoặc đến khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT; thậm chí càng cuối năm học càng nỗ lực và tập trung học tập để đạt kết quả tốt nhất. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông.
Chú trọng môn lựa chọn và tổ hợp xét tuyển
Năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Số môn thi tốt nghiệp là 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn học ở lớp 12). Thí sinh cần đặc biệt lưu ý 2 môn lựa chọn sẽ đăng ký thi vì nó sẽ tương ứng với tổ hợp xét tuyển đại học của mình (nếu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT).
Trong mùa tuyển sinh tới, số kỳ thi riêng của các trường đại học cũng mở rộng hơn; ngoài các kỳ thi được nhiều người biết đến trước đó, như: đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội), đánh giá năng lực (ĐH Sư phạm Hà Nội), đánh giá tuyển sinh (Bộ Công an)…, dự kiến còn có thêm kỳ thi đánh giá của Trường ĐH Sư phạm 2 và kỳ thi riêng của Bộ Quốc phòng (để tuyển sinh vào khối trường quân đội).
Đề thi của mỗi trường sẽ có cấu trúc định dạng khác nhau nên ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu thí sinh có kế hoạch tham dự kỳ thi khác, cần bám sát thông tin để có kế hoạch ôn luyện bài bản. Các chuyên gia cho rằng, thí sinh không nên tham dự quá nhiều kỳ thi riêng mà chỉ đăng ký 1 kỳ thi và 1 đợt thi; điều này vừa tránh mất tập trung, vừa tăng quyết tâm lại giảm áp lực thi cử cho các em.
Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trung tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội.
Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi để bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung nhưng không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa này. Các cơ sở đào tạo sẽ phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác, qua đó hạn chế việc lạm dụng gây bất công bằng giữa các thí sinh có điều kiện đầu tư cho học tập khác nhau. Đây cũng là thông tin thí sinh cần tìm hiểu, tham khảo để chủ động tính toán điểm số của bản thân; từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp.
Dù có điều chỉnh quy chế, nhưng điều quan trọng là thí sinh phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm lý để có hành trang tốt nhất bước vào kỳ thi. Cùng với đó, cần xác định rõ mục tiêu, cơ hội và tìm hiểu, cập nhật thông tin chính thống về công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cũng như phương án tuyển sinh của trường đại học mình quan tâm; từ đó tối ưu hóa cơ hội vào trường đại học mình yêu thích.
“Các điều chỉnh của quy chế theo hướng làm gia tăng tính công bằng của công tác tuyển sinh, tăng thêm sự yên tâm, tự tin cho thí sinh khi xét tuyển đại học. Chúng ta cần xác định quan điểm, làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục là: công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn.