Vẫn là phương thức chủ đạo
Tính đến ngày 26/2, có gần 120 trường đại học thông báo tuyển sinh bằng điểm học bạ THPT; trong đó có nhiều trường tốp đầu như: Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh…
Mới đây nhất, có hai cơ sở đại học thông báo tuyển sinh đều có sự góp mặt của phương thức xét tuyển bằng học bạ, đó là Học viện Phụ nữ Việt Nam và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức (PT), trong đó có xét tuyển thẳng (PT1), xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 (PT2), xét tuyển bằng học bạ (PT3), xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (PT4) và xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (PT5). Học viện dự kiến xét tuyển sớm 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các PT1, PT3 và PT5.
Với PT xét học bạ THPT, trường xét tuyển với những thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024, 2023. Thí sinh có hạnh kiểm Tốt và có tổng điểm trung bình học tập 3 môn của cả năm lớp 10, 11 và học kì 1 lớp 12 thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển của Học viện phải từ 19 điểm trở lên (không bao gồm điểm ưu tiên).
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển gần 6.000 sinh viên trong mùa tuyển sinh 2024 với 4 PT xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp, học bạ, xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng.
Với PT xét học bạ THPT, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình cả năm lớp 11 (đối với xét tuyển đợt 1) hoặc lớp 12 (đối với xét tuyển đợt 2) theo thang điểm 10 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 21-24 điểm trở lên. Riêng nhóm ngành Sư phạm công nghệ, học sinh đạt học lực năm lớp 12 xếp loại từ Giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8,0 trở lên.
Trong phương thức xét tuyển này, thí sinh đạt học lực loại Giỏi ít nhất hai kỳ trong các năm học tại trường THPT được ưu tiên xét tuyển thẳng vào chuyên ngành học ưa thích.
Năm 2024, ĐH Bách khoa Hà Nội dành 50% cho PT xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024. Đối tượng tham gia xét tuyển là thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 do Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT tổ chức. Điều kiện tham gia xét tuyển là những thí sinh đã tốt nghiệp THPT và đạt ngưỡng điểm sàn do ĐH Bách khoa Hà Nội quy định (thông báo sau); các tổ hợp xét tuyển vào trường gồm: A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29 (tùy theo từng chương trình đào tạo).
Trường ĐH Giao thông vận tải tuyển sinh tổng 6.000 chỉ tiêu các chương trình đại trà và chất lượng cao (tại cơ sở chính ở Hà Nội là 4.500 chỉ tiêu, tại Phân hiệu TP Hồ Chí Minh là 1.500) thông qua 4 PT; trong đó PT 1 là xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế. Thí sinh sẽ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để xét tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có).
Ưu điểm của phương thức truyền thống
Chia sẻ lí do vẫn sử dụng phương thức xét tuyển học bạ trong kỳ tuyển sinh năm 2024, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, nên ghi nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông và tôn trọng, chấp nhận cơ sở khoa học của kết quả này. Cùng với đó, chúng ta cũng tích cực đồng hành để giúp hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn, tiệm cận với giáo dục quốc tế.
Theo PGS.TS Phạm Thu Hương, năm 2024, với nhóm phương thức có xét tuyển bằng điểm học bạ, nhà trường yêu cầu thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện “có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên".
Mặt khác, quá trình theo dõi, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên được xét tuyển ở các phương thức khác nhau, nhà trường nhận thấy chất lượng sinh viên đảm bảo đồng đều giữa các phương thức.
Nêu quan điểm về vai trò của học bạ, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) bày tỏ, nếu loại trừ được những việc như “nương tay” cho điểm, dễ dãi trong đánh giá bậc THPT, kết quả học bạ cũng là thước đo đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách tương đối. Và các trường đại học, tùy theo yêu cầu tuyển sinh vẫn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Với việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều thầy cô cho hay, các trường đại học có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng khi sử dụng kết quả của kỳ thi và coi đó là một kênh tuyển sinh đáng tin cậy.
“Kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng đến chuẩn hóa, phổ cập, đảm bảo công bằng cho học sinh các địa phương. Kỳ thi đã đạt được mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT và là căn cứ cho các trường đại học tham khảo, xét tuyển vì có sự phân hóa tốt”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, công tác tổ chức, chấm thi, coi thi, an ninh tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT được đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu đề ra. Kỳ thi có sự phân hóa tốt, do vậy việc các trường ĐH tiếp tục tin tưởng dùng kết quả này để tuyển sinh là điều nên làm và được ủng hộ.