Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Thận trọng điều chỉnh nguyện vọng

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019, điều thí sinh quan tâm là điểm chuẩn cùng với phương thức tuyển sinh (TS) của trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Việc bổ sung nhiều hình thức TS là cơ hội để thí sinh lựa chọn được nguyện vọng phù hợp, tuy nhiên, các trường cũng phải siết chặt công tác TS.

Thí sinh sau kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Ảnh: Như Hùng
Dễ vào, khó ra

Thực tế cho thấy, công tác TS được Bộ GD&ĐT triển khai theo hướng mở, bám sát tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Việc hoàn thiện quy chế, quy trình và các giải pháp về kỹ thuật phần mềm trong công tác TS giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp. Đặc biệt, thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với đam mê, sở thích của bản thân. Điểm mới của năm nay là các trường được tự chủ trong công tác TS nên đã lập phương án TS như xét tuyển thẳng, xét học bạ, xét dựa vào điểm thi THPT, xét thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm THPT... Các trường tạo cơ hội cho thí sinh vào trường nhưng siết chặt chất lượng đào tạo và đầu ra.
Từ ngày 22 – 29/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng thông qua hình thức đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Từ ngày 22 – 31/7, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trước 17 giờ ngày 9/8, các trường ĐH sẽ công bố kết quả điểm xét tuyển nguyện vọng 1. 

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) Quách Tuấn Ngọc, phổ điểm thi THPT Quốc gia năm 2019 nhìn theo các khối xét tuyển ĐH là tốt, vì vậy việc tuyển sinh không thể ồ ạt. Dựa trên phổ điểm, PGS.TS Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh, ĐH Thái Nguyên nhận thấy điểm thi đã đánh giá thực chất sức học của thí sinh. Tâm lý của thí sinh là khi điểm thi cao hơn dự kiến thì sẽ điều chỉnh nguyện vọng theo hướng chọn trường cao hơn, mong trúng tuyển ngành/trường mơ ước. Bên cạnh đó, cũng có không ít thí sinh thay đổi thứ tự ưu tiên nguyện vọng. PGS.TS Đỗ Anh Tài khuyên thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của các trường ĐH vài năm trước để có sự lựa chọn vừa sức, đảm bảo độ chắc chắn, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề mình học tập. "Thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng một lần nên hãy cân nhắc, thận trọng khi bấm nút điều chỉnh" - PGS.TS Đỗ Anh Tài chia sẻ.

Siết chặt tuyển sinh

Theo thông tin TS năm 2019, các trường ĐH bổ sung thêm các điều kiện xét tuyển nhằm nâng cao chất lượng thí sinh đầu vào. Năm nay, trường ĐH Ngoại thương xét tuyển theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT.

Theo TS Cao Xuân Liễu - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý Giáo dục, năm nay, rất nhiều thí sinh tham gia xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, sẽ có một số thí sinh hủy bỏ kết quả xét tuyển học bạ mặc dù đã trúng tuyển và nhập học để sử dụng kết quả thi THPT nhằm mục đích xét tuyển sau khi biết được điểm thi của mình.

Để siết chặt công tác tuyển sinh ở các trường, Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các trường CĐ và trường trung cấp có đào tạo giáo viên có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về công tác TS. Bộ còn yêu cầu các trường tổ chức TS đúng quy định hiện hành, đúng hướng dẫn tại của Bộ. Theo Bộ GD&ĐT, các trường tự chủ TS và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển. Nếu xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt năng lực, vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì nhà trường và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 8/8/2019 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống). Các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Lập các đoàn thanh, kiểm tra xét tuyển sinh đại học 2019

Để đảm bảo cho việc tuyển sinh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Bộ GD&ĐT đã ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh gửi tới các ĐH, học viện, trường ĐH và các trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, yêu cầu các trường, Sở GD&ĐT, Thanh tra Bộ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh; tổ chức tuyển sinh. Bộ GD&ĐT lưu ý thanh tra, kiểm tra việc tổ chức xét tuyển, thực hiện quy trình xác định điểm trúng tuyển; nhân hệ số trong xét tuyển, cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng. Đồng thời thanh tra, kiểm tra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đặc biệt với khối ngành sức khỏe và đào tạo giáo viên... (Oanh Trần)