Bỏ phiếu cư trú trong hồ sơ của học sinh
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, công tác tuyển sinh năm học 2023-2024 trên địa bàn TP cơ bản giữ ổn định như năm học trước về phương thức, cách thức tổ chức thực hiện.
Một điểm mới thu hút nhiều sự quan tâm, đồng tình của dư luận xã hội và phụ huynh học sinh đó là, khi cha mẹ học sinh nộp hồ sơ tuyển sinh vào mầm non, lớp 1, lớp 6 cho con sẽ không cần phiếu xác nhận cư trú giống các năm học trước.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn yêu cầu các phòng GD&ĐT có trách nhiệm chỉ đạo nhà trường hướng dẫn cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh tự kê khai các thông tin cư trú của học sinh, gồm mã định danh, nơi thường trú, nơi cư trú.
Các nhà trường không yêu cầu cha mẹ học sinh phải cung cấp giấy xác nhận thông tin cư trú hoặc giấy thông báo mã định danh cá nhân của học sinh. Sau đó, nhà trường tập hợp danh sách các học sinh cần phải xác minh thông tin cư trú, chủ động phối hợp với công an cấp xã/phường trên địa bàn để rà soát, xác thực.
Sở GD&ĐT lưu ý các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để cha mẹ học sinh sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID (của bố hoặc mẹ hoặc thành viên hộ gia đình có học sinh) để cung cấp thông tin cư trú cho học sinh.
Giải thích về điểm mới này, Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) thông tin: Sau khi thực hiện quy định bỏ Sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy, Công an TP Hà Nội đã mở đợt cao điểm cấp 100% thẻ Căn cước công dân cho học sinh đủ 14 tuổi tại các địa bàn. Lực lượng chức năng thường xuyên thực hiện rà soát toàn bộ biến động, xác định thời điểm cư trú thực tế của từng công dân.
Hiện nay, mọi thông tin về dữ liệu dân cư đã được số hóa, tạo thuận lợi về mọi mặt công tác, trong đó có vấn đề phân luồng, phân tuyến tuyển sinh của các nhà trường. Do đó, khi nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho con, cha mẹ học sinh không cần phải xin phiếu xác nhận cư trú mà chỉ cần mã định danh là có thể thực hiện các thủ tục nhập học.
Lực lượng công an các cấp sẵn sàng hỗ trợ tất cả nhà trường trong việc xác minh thông tin cư trú của học sinh. Khi cần xác minh thông tin này, các nhà trường lập danh sách gửi công an phường nơi trường đóng, thông tin sẽ được tra cứu và gửi lại nhà trường đúng thời gian quy định.
Nhiều gia đình sau khi được cấp mã định danh có thể quên thông tin này. Với các trường hợp như vậy, công dân hoàn toàn có thể liên hệ với công an phường qua điện thoại nhờ trợ giúp và được gửi mã định danh với hình thức tin nhắn mà không phải đến cơ quan công an xếp hàng hay chờ đợi.
"Vì Công an phường phải thực hiện nhiều việc cùng lúc, nhà trường cũng rất đông học sinh, do đó, các trường cần sớm và chủ động trong việc lập danh sách học sinh để gửi sang cơ quan công an xác minh, tra cứu; không nên dồn vào giai đoạn cuối để hạn chế xảy ra tình trạng quá tải” - Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm nhấn mạnh.
Không để học sinh nào thiếu chỗ học
Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục Hà Nội đối mặt với áp lực rất lớn trong công tác tuyển sinh khi số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022 - 2023.
Trong đó, số học sinh vào lớp 6 tăng 38.800 em; số học sinh vào lớp 1 tăng 11.600 em… Làm thế nào để thực hiện tốt nhất công tác dạy và học đã và đang đặt ra trọng trách với ngành GD&ĐT Thủ đô.
Thời điểm hiện tại, ngành GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu, xin ý kiến Bộ GD&ĐT và các đơn vị liên quan, tham mưu UBND TP ban hành các văn bản hướng dẫn, hoàn thành hệ thống trực tuyến phục vụ công tác tuyển sinh đầu cấp. Đồng thời rà soát đầy đủ các đối tượng học sinh dự tuyển vào các cấp; từng bước xây dựng phương án đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học mới.
Trong kế hoạch, ngành GD&ĐT huy động hệ thống chính trị các quận, huyện, thị xã vào thực hiện công tác tổ chức thi ở địa phương với sự phân công chi tiết, đảm bảo rõ người, đúng việc.
Năm học 2023 - 2024, Hà Nội tiếp tục duy trì giải pháp tuyển sinh theo tuyến như các năm trước. Phòng GD&ĐT các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tổ chức phân tuyến tuyển sinh căn cứ số liệu điều tra về số lượng học sinh trong độ tuổi, điều kiện dạy học ở từng nhà trường.
Giải pháp này cũng tránh được tình trạng có trường tuyển sinh vượt quá nhiều so với chỉ tiêu, có trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, gây dự luận không tốt trong Nhân dân.
Để thực hiện tốt công tác điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các Phòng GD&ĐT tham mưu UBND cấp quận phân tuyến tuyển sinh phù hợp và có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở một số trường.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương xác minh thông tin cư trú, đặc biệt là các trường hợp phát sinh trong quá trình tuyển sinh.
“Năm đầu thực hiện các thủ tục xác minh thông tin cư trú, có thể sẽ khiến một số phụ huynh lúng túng. Ngành giáo dục cam kết hỗ trợ tối đa cho cha mẹ học sinh và bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để học sinh nào thiếu chỗ học.
Trách nhiệm của cha mẹ học sinh là kê khai thông tin đầy đủ, chính xác, tránh sai sót trong quá trình hoàn thiện hồ sơ của học sinh và thực hiện đúng hướng dẫn, đúng thời gian quy định theo thông báo của các cơ sở giáo dục..." - Giám đốc Sỏ GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết.