Thời điểm hiện tại, có hơn 10 trường đại học thông báo mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong mùa tuyển sinh 2024. Có thể kể đến như: ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU), Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội …
Cuối năm 2023, có 3 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh gồm Bách khoa, Công nghệ thông tin và Khoa học tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành trên nhằm bắt tín hiệu từ cơn khát nhân lực của thị trường và chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Các đại học cho hay việc mở chương trình và tăng cường chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn và chế tạo chip, linh kiện điện tử.
Khảo sát của Hội Công nghệ vi mạch - bán dẫn TP Hồ Chí Minh (HSIA) cho thấy, kỹ sư Thiết kế vi mạch mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Kỹ sư có 1-3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15-30 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6-1 tỷ đồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi/năm.
Còn ở ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử, cho biết 100% sinh viên định hướng thiết kế vi mạch ra trường được chào đón, có việc ngay. Mức lương khởi điểm của kỹ sư mới khoảng 15-20 triệu đồng, tương đương ngành Công nghệ thông tin. Nếu theo nghề 5-10 năm, lương kỹ sư ngành này cao gấp rưỡi Công nghệ thông tin, lên tới 2.500 - 3.000 USD một tháng (60-70 triệu đồng).
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ TT&TT cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn; trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ GD&ĐT cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Intel của Mỹ (chuyên sản xuất các sản phẩm như chip vi xử lý cho máy tính, bo mạch chủ, ổ nhớ flash, cạc mạng và các thiết bị máy tính khác) về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
PGS. TS Nguyễn Đức Minh nhận định: “Ngành này ngày càng khát nhân lực và hứa hẹn bùng nổ trong một vài năm tới".
Trên thực tế, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới. Theo số liệu thống kế của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 9/2023, cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực bán dẫn - vi mạch và đã triển khai đào tạo từ nhiều năm nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Quy, giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết trước đó trường đã có một số ngành liên quan đến lĩnh vực này như Vật lý kỹ thuật hay Khoa học và Kỹ thuật vật liệu.
Tại trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021, chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ sư vi mạch trình độ cao.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử.
Ở bậc đại học, sinh viên được học về các vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu. Ngoài ra, sinh viên Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan. Tổng số sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan trực tiếp đến thiết kế vi mạch và các ngành gần của ĐH Quốc gia Hà Nội khoảng 1.200 em mỗi năm.
Trong chuyến thăm và làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội vào trung tuần tháng 4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chủ trương hướng tới nghiên cứu công nghệ mới như chip, bán dẫn hay thành lập khu trung tâm thiết kế vi mạch là hướng đi đúng; đồng thời nhấn mạnh ba chiến lược không thể đi chậm, đó là đẩy mạnh đột phá nhân lực, thể chế và hạ tầng; trong đó cần phát triển nhanh và đột phá nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phải toàn diện, từ nhân lực nghiên cứu cơ bản đến quản lý, thực hành nhưng cũng phải cân bằng với điều kiện phát triển của đất nước.
Được biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, trước đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Do đó, thời gian tới, số lượng trường tuyển sinh ngành Công nghiệp bán dẫn, Thiết kế vi mạch sẽ tiếp tục tăng.