Ngành du lịch ổn định tuyển sinh
Nhiều năm trở lại đây, du lịch là ngành “hot”, luôn thuộc top đầu trong các ngành có lượng thí sinh và nguyện vọng đăng ký xét tuyển đông đảo nhất. Tương tự năm 2021, đợt tuyển sinh năm 2022, ngành Du lịch của các trường CĐ, ĐH trên địa bàn TP Hà Nội cơ bản giữ ổn định. Cụ thể ngành du lịch của các trường tuyển sinh như sau: ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tuyển 105 chỉ tiêu; ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển 300 chỉ tiêu; ĐH Công nghiệp lấy 440 chỉ tiêu; ĐH Văn hoá Hà Nội lấy 570 chỉ tiêu; CĐ Du lịch Hà Nội tuyển 910 chỉ tiêu hệ CĐ chính quy.
Một số trường ĐH khác, ngành du lịch giảm nhẹ chỉ tiêu so với năm trước: ĐH Thành Đô giảm 10 chỉ tiêu hệ ĐH (150 chỉ tiêu) và giữ nguyên chỉ tiêu hệ CĐ (50 chỉ tiêu); ĐH Thủ đô Hà Nội tuyển 301(giảm 49 chỉ tiêu); ĐH Mở Hà Nội lấy 310 (giảm 20 chỉ tiêu).
Về phương thức xét tuyển ngành du lịch hệ CĐ, ĐH hầu hết là xét tuyển kết quả học bạ THPT, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và bài thi đánh giá năng lực do trường tổ chức.
TS Nguyễn Thị Thanh Hoà, giảng viên khoa Văn hoá Du lịch (ĐH Thủ đô Hà Nội) cho biết: “Trong đề án tuyển sinh năm 2022, trường dự kiến tuyển 301 chỉ tiêu cho ngành du lịch. Cùng với đó, phương pháp dạy của khoa Văn hoá- Du lịch sẽ có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp để tạo môi trường rèn luyện tốt nhất cho sinh viên, hướng tới mục tiêu đảm bảo kiến thức chuyên môn và chất lượng đầu ra. Đợt tuyển sinh ngành du lịch năm 2022 chính là cơ hội đặc biệt để đảm bảo cung ứng nhân lực và gỡ được nút thắt của ngành du lịch trong thời gian sắp tới”.
Cửa sáng trong tìm việc làm
Thời gian trước, sinh viên năm cuối ngành du lịch sẽ được đi thực tế, trải nghiệm nhiều tại các khu du lịch thì 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc được trải nghiệm và thực hành, thực tập của các sinh viên các ngành này gặp nhiều hạn chế. Cùng với đó, sinh viên du lịch ra trường gặp khó trong vấn đề việc làm; không ít trường hợp phải làm trái để trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, đầu năm 2022, du lịch dần mở cửa trở lại, lượng khách du lịch gia tăng cùng các tín hiệu phục hồi khác thì ngành du lịch Việt Nam bước vào cuộc “đại tuyển dụng” quy mô lớn trên toàn quốc. Rất nhiều đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ đang ráo riết tìm kiếm lao động. Điều này tạo cơ hội, sự yên tâm cho sinh viên học ngành du lịch, nhất là sinh viên năm cuối trong kiếm việc làm sau khi ra trường.
Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Cty Vietfoot Travel cho biết: "Chúng tôi đã tuyển lại nhân sự mới được 75% như trước kia. Đa phần, nhân sự cũ đã rời du lịch, làm ổn định ở lĩnh vực khác thì giờ không muốn quay lại. Để chuẩn bị đủ nhân sự khi thị trường du lịch hoạt động bình thưởng trở lại, chúng tôi đã tính đến phương án tuyển mới sinh viên sắp ra trường để đào tạo. Dự kiến vài tháng nữa du lịch sẽ thực sự khởi động. Trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp du lịch sẽ đến cơ sở đào tạo đặt hàng tuyển dụng sinh viên còn chưa tốt nghiệp”.
“Hiện các học viên năm cuối đều được các DN liên hệ với trường để tuyển dụng. Không chỉ vậy, trường cũng liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm đào tạo cho đối tượng thất nghiệp muốn quay trở lại thị trường lao động, kết hợp gắn với đào tạo tại doanh nghiệp”- Hiệu trưởng trường Trung cấp Du lịch Hà Nội Trương Tường Lân chia sẻ.
Thị trường du lịch nói chung và của Hà Nội nói riêng đã và đang hoạt động trở lại. Trong năm 2022, Hà Nội phấn đấu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng; phấn đấu năm 2023, TP đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng. Với xu hướng đó, công tác tuyển sinh ngành du lịch của các trường ĐH, CĐ sẽ có nhiều tín hiệu vui; công tác tuyển dụng nhân sự của các Cty hoạt động du lịch sẽ phục hồi trở lại và cơ hội cho sinh viên du lịch ra trường được mở rộng như trước và hơn trước. Theo nhiều chuyên gia dự báo, năm 2022, ngành du lịch vẫn là một ngành “hot” trong tuyển sinh.