Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Chờ đề thi minh họa

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung quanh phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, đa số ý kiến đều cho rằng, 4 môn thi, trong đó có môn Ngoại ngữ là hợp lý. Tuy nhiên, thời điểm này, giáo viên, học sinh (HS) đều mong muốn Sở GD&ĐT sớm công bố đề thi minh họa. Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn đã trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này.

Một giờ học của học sinh trường THCS Dân Hòa (huyện Thanh Oai). Ảnh: Trần Oanh
Ông đánh giá thế nào về phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019 mà Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố? 
- Đây là phương án được chúng tôi chờ đợi đã lâu. Những năm trước, thi vào lớp 10 có môn Toán và Ngữ văn đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, điểm hạn chế là HS chỉ tập trung học hai môn này, còn những môn khác khi đến lớp 9 hầu như các em không quan tâm đúng mức. Các thầy, cô giáo đánh giá cũng thường nương tay hơn để học trò có điểm thi vào lớp 10 "đẹp". Từ những hạn chế đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra phương án thi 4 môn. Nhiều người lo ngại số lượng bài thi tăng lên so với năm trước nhưng thi 4 môn trên tổng số 10 môn đưa vào danh sách thì đó là tỷ lệ phù hợp. Với mục tiêu giáo dục toàn diện, chúng ta không thể nào chỉ đánh giá số môn học quá ít so với tổng số môn các em đã được học.

Nhưng chắc chắn sức ép học hành, ôn tập sẽ tăng lên khi thi 4 môn so với 2 môn như trước. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Trong quá trình dạy học, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch giảng dạy cho HS và đánh giá dựa trên quá trình đó. Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho biết thi vào lớp 10 dựa trên kiến thức trong chương trình lớp 9 là chủ yếu. Như vậy, trách nhiệm của HS là học đều các môn. Trong đó tập trung nhiều hơn cho các môn đi thi. Đúng là về số lượng có tăng lên nhưng tôi thấy hợp lý. Còn về lượng kiến thức, tất cả HS đều có thời gian như nhau và được học chương trình như nhau. Cuộc thi nào cũng sẽ có áp lực nhưng mỗi trường sẽ có kế hoạch giảng dạy, ôn tập để HS đáp ứng các yêu cầu của kỳ thi. Mỗi HS cũng phải xây dựng cho mình kế hoạch học tập, phân phối thời gian hợp lý, đảm bảo vừa học kiến thức mới, vừa ôn kiến thức cũ.
 Thầy Nguyễn Quốc Bình
Điều mà mọi người quan tâm là phương thức ra đề thi thế nào, bởi vừa qua, TP Hồ Chí Minh ra đề thi rất ấn tượng và sáng tạo nhưng có đến trên 50% bài thi môn Toán đạt điểm dưới trung bình?

- Dù là hình thức thi tự luận hay trắc nghiệm thì HS cũng phải học kỹ, thầy cô giáo phải dạy đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ, về ma trận xây dựng đề thi, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có chỉ đạo xây dựng phương án phù hợp nhất. Trong các đề thi đó sẽ có những phần vận dụng cao để phân loại những HS thực sự giỏi. Quá trình ra đề sẽ có sự sáng tạo để đánh giá được năng lực, tư duy HS nhằm lựa chọn chính xác. Tuy nhiên, sự sáng tạo nào cũng phải căn cứ trên nền tảng và kỹ năng cơ bản mà HS đã được học, vận dụng. Còn nếu sự sáng tạo vượt ra ngoài, đó là sự đánh đố. Vì thế, nếu muốn có sự đổi mới nào đó, vượt ra ngoài những yêu cầu những kiến thức trong nhà trường thì phải có thông báo, định hướng trước.

Theo ông, thời điểm nào thì phù hợp để công bố đề thi minh họa?

- Môn Toán, Ngữ văn thì không cần công bố đề thi minh họa bởi HS đã làm quen. Điều cần nhất hiện nay là môn Tiếng Anh và môn thứ tư (tất cả 6 môn còn lại đều có đề thi minh họa) để HS biết được cấu trúc, độ dễ dần đến khó. Vì thế, Sở GD&ĐT Hà Nội nên công bố đề thi minh họa 2 môn thi mới càng sớm càng tốt để HS, giáo viên và nhà trường chủ động hơn trong kế hoạch học tập và ôn luyện.

Xin cảm ơn ông!