Tuy nhiên, cả đường Tam Trinh lẫn cầu Thanh Trì đều đang xuống cấp, hằn lún, gây cản trở giao thông, hơn nữa còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng.
“Tạm” đến bao giờ?
Hàng ngày có đến hàng chục nghìn xe tải, xe khách và các phương tiện cá nhân ra vào cửa ngõ phía Nam TP theo trục đường Tam Trinh - Vành đai 3 - cầu Thanh Trì. Do mật độ phương tiện quá tải, nên tình trạng ùn tắc, mất ATGT đã trở thành nỗi lo thường trực của người dân và lực lượng đảm bảo giao thông trong khu vực. Trung tá Lê Văn Tiến - Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP cho biết: “Đường Tam Trinh đã xuống cấp nghiêm trọng, ổ trâu, ổ bò chi chít gây rất nhiều khó khăn cho việc lưu thông. Đặc biệt những đợt mưa lớn, đường thành ao, hầm hố lớn nhỏ không biết đâu mà lần, vô cùng nguy hiểm cho người và phương tiện”.
Theo ghi nhận của phóng viên, đường Tam Trinh xuống cấp nhất là đoạn từ cầu Đền Lừ đến điểm giao cắt với Vành đai 3. Tuy đường rộng tới 20m nhưng ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì bì bõm nước bẩn, tai nạn xảy ra liên tục.
Đường Tam Trinh xuống cấp nghiêm trọng từ lâu, thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc, mất ATGT. Ảnh: Ngọc Hải |
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Ban QLDA quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng cho biết, đường Tam Trinh đã được phê duyệt dự án xây dựng lại, tháng 10 tới sẽ khởi công, đoạn từ cầu Đền Lừ đến Vành đai 3 được mở rộng ra 40m. Tuy nhiên, điều đáng nói, dự kiến phải đến năm 2019 dự án mới hoàn thành. Trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội lại lên phương án chuyển hướng xe khách, xe tải từ đường Giải Phóng, rẽ vào Kim Đồng, cầu Đền Lừ, qua đường Tam Trinh ra Vành đai 3 để giảm tải áp lực giao thông trên đường Giải Phóng và cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Vậy nhưng hiện trạng đường Tam Trinh không thể đáp ứng kế hoạch đó; mặt khác, sẽ còn nhiều năm nữa đường mới được xây dựng xong. Trung tá Lê Văn Tiến đề xuất: “Đợi thì không biết đợi đến khi nào. Trước mắt, cơ quan chức năng cần có biện pháp tạm thời, thảm vá đường để phục vụ giao thông, hạn chế ùn tắc và TNGT”.
Sống trâu, bẫy sắt
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội Đỗ Thanh Thủy cho biết, năm 2013, khi Bộ GTVT bàn giao cầu Thanh Trì về cho Hà Nội, mặt cầu đã xuống cấp, trồi lún, nhất là trên làn đường dành cho xe tải. Đến năm 2015, hiện tượng hư hỏng được cơ bản giải quyết xong; từ đó tới nay, công ty vẫn thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí trên mặt cầu Thanh Trì, đặc biệt là đoạn 1/3 cầu về phía quận Long Biên đang tồn tại những vệt hằn lún, sống trâu, có vệt dài hàng trăm mét. Không chỉ làn xe tải mà cả làn xe con cũng bị trũng sâu khoảng 3 - 5cm, gợn sóng mấp mô, rất nguy hiểm cho phương tiện qua lại với vận tốc cao. Giải thích hiện tượng này, bà Thủy nói: “Do mặt cầu trước đây được thảm bằng nhựa thường, khi nắng nóng thì mềm nhão, lại chịu lực liên tục từ phương tiện nên xảy ra hằn lún, mấp mô”.
Ngoài hiện tượng trồi lún, bà Thủy cho biết, có 10 khe co giãn trên cầu Thanh Trì đang bị hư hỏng, công ty mới sửa chữa được có 3. Theo quan sát, một số khe co giãn đã bong tróc các lớp lót cao su, sắt thép vênh lên, hình thành cái bẫy rất nguy hiểm. Trung tá Lê Văn Tiến chia sẻ, những đầu sắt, thép nhô lên này, chẳng may xe chạy với tốc độ cao vấp phải có thể nổ lốp, mất lái. Rất may chưa có vụ tai nạn liên hoàn nào xảy ra nhưng nếu không tu sửa sẽ cực kỳ nguy hiểm. “Nhiều TNGT đã xảy ra do mặt cầu lồi lõm khiến xe bị trật bánh, mất lái. Đội đã có đề xuất với Phòng CSGT, kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng sửa chữa mặt cầu, đảm bảo an toàn cho các phương tiện qua lại. Càng để tồn tại lâu, chúng tôi càng bất an” - Trung tá Tiến nói.