Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) tới đông đảo doanh nghiệp, người lao động

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức TP Hà Nội tổ chức hôm nay (9/7), hơn 20 câu hỏi liên quan đã được đại diện chủ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, người lao động… từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội đặt ra và được các chuyên gia trả lời thỏa đáng...

Nhằm cập nhật thông tin mới của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung) (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020) tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), hôm nay (9/7), báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn Viên chức TP Hà Nội tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tuyên truyền Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung)”.

 Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Hà Nội Phạm Bá Vĩnh và Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô Nguyễn Thị Bích Ngọc tặng hoa các khách mời tham gia Giao lưu trực tuyến

Đây là hoạt động thiết thực của Báo và Công đoàn Viên chức TP chào mừng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2020) và thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của TP Hà Nội. 

Buổi giao lưu thu hút gần 500 CBCCVC, người lao động tham dự đến từ các đơn vị trên địa bàn TP. Tham gia giải đáp mọi câu hỏi của CBCCVC, NLĐ có các chuyên gia: Phó Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ Hà Nội) Vũ Minh Huyền, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu.

 Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Hà Nội Đặng Văn Hải tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia Giao lưu

Phát biểu tại buổi Giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Bích Ngọc - Uỷ viên Ban Thường vụ LĐLĐ TP, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho biết: Báo Lao động Thủ đô là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội, diễn đàn của công nhân viên chức lao động Thủ đô. Với vai trò của mình thời gian qua, Báo đã tích cực phối hợp với các cấp Công đoàn tổ chức nhiều cuộc giao lưu trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động.

“Đặc biệt, từ ngày 1/7, Luật CBCC và Luật VC (sửa đổi, bổ sung) chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới thay đổi, tác động trực tiếp đến đội ngũ CBCCVC. Với mong muốn giúp NLĐ có thêm kiến thức về những điểm mới của Bộ Luật này, báo Lao động Thủ đô đã mời các chuyên gia là những người rất am hiểu các lĩnh vực này, sẵn sàng truyền đạt, hướng dẫn và giải đáp các khúc mắc mà người lao động quan tâm” - bà Lê Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.

 Đại diện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu câu hỏi tại buổi Giao lưu

Tại đây, hơn 20 câu hỏi liên quan đến Luật CBCC và Luật VC (sửa đổi, bổ sung) đã được các chủ DN, đại diện tổ chức công đoàn, người lao động… từ các đơn vị, DN trên địa bàn TP đặt ra và được các chuyên gia trả lời thỏa đáng, như: Về những trường hợp được xét tuyển vào công chức; cán bộ, viên chức đã ký hợp đồng với đơn vị, sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ thì quyền lợi của cán bộ viên chức được hưởng như thế nào; trường hợp lao động hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ đã làm việc với đơn vị trên 5 năm thì sau khi đơn vị chuyển sang tự chủ sẽ xử lý ra sao; đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, viên chức có được xem xét giải quyết nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ khác không; việc thể hiện thông tin ghi trên thẻ BHYT bắt buộc của người lao động (thời điểm đủ 5 năm liên tục) có ý nghĩa thế nào; về việc trả lương theo vị trí việc làm của CBCCVC từ năm 2021…