Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyên truyền Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 280/KH-UBND về việc tuyên truyền “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2024).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm nêu bật Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là Ngày hội lớn của Nhân dân Thủ đô và cả nước, là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, thiết thực kỷ niệm 1014 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Kinh thành Thăng Long.

Chương trình tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”; quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh Thủ đô Hà Nội hòa bình, năng động, sáng tạo, thanh lịch, thân thiện, mến khách và an toàn. Qua đó, tôn vinh, giới thiệu các di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian tiêu biểu của Thủ đô, các làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực Hà Nội.

 Nội dung tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng; kỷ niệm 1014 năm vua Lý Thái Tổ định đô tại Kinh thành Thăng Long.

Quảng bá các giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO vinh danh với bạn bè trong nước và quốc tế. Giới thiệu các di sản văn hóa tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, quảng bá các làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực Hà Nội được lựa chọn trình diễn và giới thiệu trong Chương trình.

Ý thức, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang hào hùng, hòa bình, hữu nghị của Thăng Long - Hà Nội; các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội với bạn bè trong nước và quốc tế.

UBND TP giao Sở Văn hóa & Thể thao là cơ quan thường trực, tham mưu tổng thể và chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình. Chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền cho báo chí hoặc gửi Sở Thông tin & Truyền thông nội dung thông tin để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp. Triển khai công tác trang trí cổ động trực quan xung quanh địa điểm tổ chức hoạt động, sự kiện của Chương trình.

Sở Thông tin & Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa & Thể thao cung cấp nội dung thông tin về sự kiện qua đầu mối Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin & Truyền thông để Cục Thông tin đối ngoại phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho báo chí phục vụ tuyên truyền đối nội, đối ngoại; cung cấp thông tin, dữ liệu để Cục Thông tin đối ngoại đưa lên Cổng Thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam.vn phục vụ việc khai thác thông tin của báo chí trong nước và nước ngoài.

Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền; lan tỏa thông tin về Chương trình  trên mạng xã hội và trang thông tin điện tử tổng hợp. Có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố bạn hỗ trợ truyền hình trực tiếp Chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” trên sóng phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố.

Các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông, Sở Văn hóa & Thể thao cung cấp thông tin về Chương trình; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí tuyên truyền các hoạt động mà cơ quan, đơn vị tham gia trong Chương trình. Tuyên truyền, thông tin đến cán bộ, người lao động trong cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn về Chương trình.

Ngoài ra, UBND TP yêu cầu công tác tuyên truyền cần triển khai tích cực với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, sáng tạo; nội dung tuyên truyền bám sát chỉ đạo của Trung ương và thành phố, đảm bảo hiệu quả, kịp thời.