Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá biến động khó lường

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện tỷ giá đang có những diễn biến mới khó lường, chiến tranh thương mại, lãi suất trong nước, áp lực vẫn còn tồn tại khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy lộ trình tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc.

USD trong nước giảm
Ngày 26/9 vừa qua, FED lần thứ ba trong năm tăng lãi suất thêm 0,25 điểm cơ bản lên mức 2 - 2,25%. Bất chấp những ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất của FED, tỷ giá USD tại các ngân hàng bất ngờ giảm mạnh. Đáng chú ý, chỉ số giá USD trên thị trường thế giới tăng, trong khi đó giá USD trong nước giảm. Còn nếu tính từ sau khi FED tăng lãi suất đến đầu tuần qua, sau 5 phiên, tỷ giá trong nước gần như đi ngang. Tại Vietcombank, giá USD đang là 23.290 - 23.370 VND/USD, ngang giá cuối tuần trước; VietinBank niêm yết giá 23.291 - 23.371 VND/USD, giảm 6 đồng; BIDV niêm yết giá 23.290 - 23.370 VND/USD, ngang giá. Hầu hết các ngân hàng giữ nguyên giá mua vào và bán ra.
 Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh BIDV Thanh Xuân. Ảnh: Phạm Hùng
Thực tế, 25 điểm cơ bản tăng thêm đã được phản ánh vào giá trước đó, đồng USD cũng đã trải qua quá trình tăng liên tục trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Yếu tố trong nước, tỷ giá trong thời gian qua ổn định được hỗ trợ do nguồn cung thị trường dồi dào. Trong năm nay, dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền vững và Việt Nam cũng đang thặng dư thương mại…

Áp lực có thể tăng

So với đầu năm, tỷ giá trung tâm giữa đồng VND và USD đã tăng khoảng 1,1%; tỷ giá trong các NHTM tăng khoảng 1,4%. Hiện biến động của đồng VND được các chuyên gia của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á) cho biết là đang ổn định. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá sẽ xuất hiện trong thời gian cuối năm khi FED dự kiến sẽ có thêm một lần tăng nữa vào cuối năm nay và ba lần trong năm 2019. Ngoài ra, USD còn được dự báo tiếp tục tăng giá do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng và Trung Quốc đang dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm đi những tiêu cực.

"Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất cao, tỷ giá đang có những biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang ở mức độ chưa từng có. Sự cứng rắn trong điều hành của NHNN về lãi suất và tăng trưởng tín dụng đã được thể hiện, song điều hành tỷ giá nên được đặt trong bối cảnh dài hạn của năm nay và cả năm sau. Đồng VND đang ở giữa hai sức ép: Sức ép từ sự trượt giá của đồng NDT so với USD và sức ép từ việc cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Việt, nếu tỷ giá được kìm nén, năm 2019 áp lực sẽ bị dồn nén lại. " - Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng Chua Hak Bin


"Về phía DN, với việc Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng tích cực, nhu cầu đầu tư, chi tiêu tăng lên, tạo điều kiện cho DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Các DN vì thế cần tận dụng cơ hội này đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh, bên cạnh việc sử dụng linh hoạt các công cụ phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng bởi các biến động khó lường trong tương lai. " - Phó Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank Nguyễn Hoàng Linh

Ông Chua Hak Bin - Kinh tế trưởng Tập đoàn Maybank Kim Eng đánh giá, trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia và Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc, thì biến động tỷ giá sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ông Hak Bin cho rằng, trước việc đồng Nhân dân tệ (NDT) còn tiếp tục giảm bởi cuộc chiến thương mại leo thang, nếu VND yếu sẽ giúp giảm tải áp lực tiêu cực từ chiến tranh thương mại và tính cạnh tranh từ đồng NDT. Hầu hết các đồng tiền của các nước trong ASEAN khác cũng sẽ giảm giá nếu đồng NDT giảm giá.

Theo TS Cấn Văn Lực, tỷ giá đồng Việt Nam vẫn có những biến động nhất định, đặc biệt ở thời điểm cuối năm có tính chất mùa vụ, khi nhu cầu thanh toán tăng lên… Song NHNN cũng đang tính đến nhiều mặt hài hòa các lợi ích, tác động ra sao đến nền kinh tế, tác động đến DN xuất nhập khẩu, vay nợ nước ngoài và kể cả tác động đến lạm phát của Việt Nam, vốn dĩ năm nay đang chịu áp lực lớn… Ông Lực nhìn nhận, tỷ giá trong năm 2018 có thể tăng nhẹ ở mức 1,5 - 2% là chấp nhận được.