Ngân hàng tăng kịch trần giá bán, USD Index mạnh nhất trong 1 năm
Phiên giao dịch cuối tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 2 đồng, ở mức 24.290 đồng/USD. Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.075 – 25.504 VND/USD.
Các ngân hàng bán ra tăng sát mức trần được NHNN cho phép. Như Vietcombank niêm yết giá USD ở 25.154 - 25.504 VND/USD, lần lượt tăng 4 đồng và 2 đồng so với phiên trước đó. Cùng thời điểm, tại VietinBank ghi nhận chiều mua vào - bán ra USD đang ở 25.190 - 25.504 VND/USD. Khảo sát thêm 1 số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, tại Techcombank, Eximbank… niêm yết giá bán ở 25.504 VND/USD.
Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng gần 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%. Riêng trong tháng 10 và tháng 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND đứng ở mức 25.620 - 25.720 VND, cao hơn giá USD ngân hàng khoảng 220 đồng.
Tỷ giá trong nước tăng trong bối cảnh giá USD trên thị trường thế giới chưa dứt đà tăng và tiến sát ngưỡng 107 điểm. Chỉ số DXY có thời điểm đạt mốc 107,07, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2023.
Trong phiên họp chính sách kết thúc tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm 0,25% lãi suất. Song việc Fed giảm lãi suất cũng không thể khiến USD - Index hạ nhiệt đáng kể.
Thị trường dự đoán rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp tới sẽ áp đặt thuế quan thương mại và thắt chặt nhập cư, các biện pháp được coi là thúc đẩy lạm phát. Điều này sẽ khiến Fed cắt lãi suất chậm lại.
Không chỉ bị tác động từ biến động quốc tế, tỷ giá USD/VND còn chịu áp lực lớn từ nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng mạnh do các yếu tố mùa vụ. Nhu cầu ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước trong thời gian gần đây cũng là một trong những yếu tố chính khiến tỷ giá USD/VND tăng cao.
Ứng biến giữa biến động không ngừng
Thực tế, chưa đến 10 ngày sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ, chỉ số DXY tăng gần 3,3 %. Giá USD liên tục lập đỉnh mới và các dự báo về lộ trình cắt giảm lãi suất trong năm 2025 cũng được giãn ra.
Phát biểu mới đây của Chủ tịch Fed Powell đưa ra tín hiệu về việc Fed không quá cấp bách đối với việc cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế đang cho thấy sự tăng trưởng tốt, thị trường việc làm vững chắc trong khi lạm phát vẫn còn dai dẳng.
Shinhan Securities nhận định, tỷ giá từ đây đến cuối năm sẽ có những thử thách nhất định khi tâm lý thị trường có thể chọn những phương án ít rủi ro để đầu tư (flight to quality) và chờ đợi những tác động trực tiếp từ chính sách của ông Trump thay vì hành động theo kỳ vọng của những đợt cắt giảm lãi suất của Fed.
Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu sức ép lớn từ thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đang triển khai cả hai công cụ là phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để “ghìm cương” tỷ giá, tương tự giai đoạn quý II và đầu quý III vừa qua. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng. Do đó, tỷ giá sẽ là một ẩn số, khiến cho NHNN khó lòng giảm lãi suất sớm như kỳ vọng trước đó.
Khi đồng USD tăng giá, không chỉ các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm. Ngay cả các doanh nghệp xuất khẩu cũng không được hưởng nhiều lợi ích khi tỷ giá tăng, do phần lớn máy móc thiết bị và nguyên vật liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu đều phải nhập khẩu, nên khi tỷ giá tăng cũng sẽ đẩy giá nguyên vật liệu tăng. “Về lâu dài thì điều này sẽ không tốt cho doanh nghiệp bởi nhiều yếu tố bị tác động, từ chi phí đầu vào bị tăng lên hay việc phải điều chỉnh giá bán đối với nhiều thị trường khác nhau”- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Việt Nam Bùi Tiến Vinh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng áp lực tỷ giá cũng vẫn sẽ tăng cao trong tháng 11 này. Thậm chí cao điểm, đồng VND có thể mất giá 5%, tỷ giá sẽ tiệm cận 26.000 đồng/USD. Vị chuyên gia cho rằng, với lần biến động này, chắc chắn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có cách ứng biến làm sao để có lợi nhất hoặc giảm thiểu rủi ro nhất.
Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket Nguyễn Anh Tuấn cho biết, công ty luôn có dự báo, dự trữ nguyên vật liệu để giảm thiểu tối đa các tác động của việc tăng giá sốc. Tuy nhiên, trước áp lực chi phí đầu vào, công ty buộc phải lên kế hoạch tăng giá bán từ 3-5%, song sẽ kèm theo các chương trình hỗ trợ cho đại lý, cửa hàng. DN này cũng tiếp tục rà soát, cải tiến thiết bị sản xuất, đầu tư công nghệ mới để tiết giảm tiêu hao năng lượng.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được". Dù vậy, bà Hồng cho biết NHNN kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. "Khi thị trường biến động quá lớn, NHNN sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng công tác truyền thông để doanh nghiệp và người dân hiểu hiểu rõ về định hướng chính sách" - Thống đốc chia sẻ.