Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tỷ giá, lãi suất thiết lập mặt bằng mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, NHNN đã quyết định tăng mạnh tỷ giá và lãi suất điều hành. Tỷ giá, lãi suất đã thiết lập mặt bằng mới.

USD ngân hàng kịch trần 24.888 VND/USD, lãi suất vẫn tăng nóng

NHNN sáng 25/10 niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.703 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên trước. Như vậy, tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ 13 liên tiếp, với tổng mức tăng là 286 đồng. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 24.888 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.517 VND/USD.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng 25/10 neo ở mức kịch trần so với biên độ giao dịch của NHNN công bố.

Tỷ giá USD/VND tại BIDV, được niêm yết ở mức 24.608 - 24.888 VND/USD (mua vào - bán ra), tăng 3 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên trước đó. Trước đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng 15 đồng trong ngày đầu tuần, và tiếp tục đứng ở mức cao trong sáng 25/10. Vietcombank niêm yết ở mức 24.575 - 24.885 đồng/USD (mua - bán). Riêng Eximbank tăng 80 đồng ở giá mua.

Giá mua USD hiện nằm trong khoảng 24.575 - 24.700 VND/USD, với Sacombank là ngân hàng có giá mua USD cao nhất, còn giá bán ra duy trì quanh khoảng 24.885 - 24.888 VND/USD như phiên trước đó. Trong khi đó, giá USD tự do mua vào 25.100 đồng/USD và bán ra 25.220 đồng/USD, tăng 100 đồng so với sáng 24/10.

Trong ngày 24/10, NHNN tiếp tục tăng mạnh giá bán từ mức 24.380 VND/USD lên 24.870 VND/USD, tương đương tăng 490 VND.  Đây là lần thứ 6 trong năm 2022, NHNN thực hiện tăng giá bán USD và là lần thứ 4 trong vòng hơn một tháng trở lại đây.

Cùng với tăng giá bán USD, NHNN đã quyết định tăng thêm 1% đối với lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên… từ ngày 25/10. Như vậy trong vòng 1 tháng, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất điều hành.

Theo SSI, nguồn gốc là thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, cung tiền ít đi, một lượng lớn giấy tờ có giá đến kỳ đáo hạn, xu hướng đảo ngược của dòng vốn ngoại, lượng tiền lớn bị “kẹp” trong chứng khoán, bất động sản, trái phiếu DN và nợ xấu.

Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 17/10 - 21/10, SSI cũng cho biết xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể thời gian qua, trong bối cảnh VND không thể đứng ngoài xu hướng đồng nội tệ mất giá lan rộng khắp châu Á, nguyên nhân xuất phát từ các đợt tăng lãi suất liên tục của Fed. Và trạng thái tâm lý này sẽ tiếp tục tạo áp lực tỷ giá...

Sau quyết định của NHNN, lãi suất trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuần qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động thêm 0,5 - 1%/năm ở nhiều kỳ hạn như SHB, VPBank, DongABank, SaigonBank… Trong đó, một số ngân hàng đã nâng lãi suất tiền gửi cao nhất lên mức 9,5%/năm. Bên cạnh điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng triển khai các chương trình ưu đãi để thu hút người gửi tiền.

Tỷ giá, lãi suất tăng là gánh nặng đối với DN

Giá USD liên tục tăng trong những ngày qua và lãi suất lên cao tiếp tục trở thành mối quan tâm lớn của giới kinh doanh.

Luỹ kế từ đầu năm đến nay, giá bán USD của NHNN đã tăng tổng cộng 1.720 VND, tương đương mức tăng 7,4%. Ở các ngân hàng thương mại, so với đầu năm, giá bán USD đã tăng trên dưới 2.000 đồng/USD, tương đương hơn 8%. Còn mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân của các ngân hàng đã lên mức 13 - 14%/năm và DN tầm 10%/năm, tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm. Với lãi suất ưu đãi, cho khoản vay mới dành cho cá nhân thế chấp đã tăng từ 8 - 9% lên mức tối thiểu 11,5% một năm, tại nhóm nhà băng tư nhân và khoảng 10% tại khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Nhưng muốn vay cũng không dễ vì room tín dụng còn quá ít, chỉ chi nhánh nào huy động được vốn mới giải ngân thêm.

Giám đốc một DN vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết lãi suất vay của công ty đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm, cùng với đó số tiền lãi tăng thêm cả tỷ đồng. Trong khi đó, sức ép chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, áp lực lên lãi suất, tỷ giá vẫn còn rất lớn. PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết, năm 2022 ảnh hưởng từ những chính sách nới lỏng tiền tệ trên thế giới, cộng thêm xung đột Nga - Ukraine đã thổi bùng “cơn sóng” lạm phát toàn cầu đạt đỉnh cao nhất kể từ 30 - 40 năm qua.

Lạm phát tại các quốc gia phát triển tăng 9 - 10%, cao gấp 5 lần so với mục tiêu bình quân 2%. Theo đó, nhiều quốc gia đã chấp nhận “liều thuốc đắng” tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ khiến kinh tế rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ các yếu tố bất ổn do nền kinh tế có độ mở lớn, cụ thể là tác động về chính sách tiền tệ (trong đó có chính sách tỷ giá).

VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3 - 0,5% trong những tháng cuối năm 2022, từ mức trước khi NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành. Sang năm 2023, VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Lãnh đạo các nhà băng cũng dự báo lãi suất cho vay thời gian tới khó hạ nhiệt.

 

Bản chất của lãi suất là giá cả thị trường. Chính vì vậy, nên tôn trọng quy luật của thị trường là nước lên thì thuyền lên. Với tỷ giá nếu không đủ linh hoạt cũng rất khó cạnh tranh, xuất khẩu dựa rất lớn vào nhập khẩu nên nếu VND mất giá nhiều thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Việc tăng lãi suất điều hành, tỷ giá lúc này là không chỉ kiểm soát lạm phát, mà còn giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ với tài khóa để bình ổn kinh tế vĩ mô, giữ vững định hướng phát triển.

TS Võ Trí Thành

Với tỷ giá, các chuyên gia cũng cho rằng, tỷ giá danh nghĩa và tỷ giá thực đa phương tăng quá cao, có thể tác động tiêu cực tới xuất khẩu của Việt Nam khi rổ tiền tệ các đối tác thương mại tiếp tục rớt mạnh. Cuối cùng là vốn FDI đăng ký mới trong nước chưa phục hồi hoàn toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền FDI thực hiện trong tương lai.

Với các yếu tố trên, KBSV cho rằng trong ngắn hạn, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng hai công cụ: Dự trữ ngoại hối và bơm - rút tiền trên thị trường mở, để ổn định tỷ giá, đồng thời điều tiết và hỗ trợ thanh khoản hệ thống trước những cú sốc bên ngoài.

Bức tranh tỷ giá, lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư và sản suất trong thời gian tới, đặc biệt vào mùa làm ăn cuối năm của các DN. Dù vậy, lãi suất tăng không phải là mong muốn của cơ quan quản lý nhưng trong bối cảnh sức ép kiểm soát lạm phát, việc giải bài toán tỷ giá không hề đơn giản.

Do đó, theo các chuyên gia, DN cần phải chấp nhận thực tế. Vấn đề quan trọng hiện nay là việc quản trị thanh khoản của DN cấp thiết hơn bao giờ hết. Dù vay VND hay USD, DN cũng phải tính toán xem rằng khi lãi suất tăng lên, giả sử 1%/năm thì DN có chịu được hay không. Quy trình từ lúc bỏ tiền ra cho đến khi thu tiền về rất quan trọng. Đòi hỏi DN cần có nhiều kịch bản, tránh bị động khi những chính sách tài chính, tiền tệ được điều chỉnh trước áp lực của sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn, đặc biệt với 2 chỉ số quan trọng là lãi suất và tỷ giá hối đoái.