Tỷ giá ổn định nhưng chưa thể chủ quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 8 tháng, giá USD/VND đã giảm 1,07% so với cuối năm 2015. Trong khi đó, đồng nội tệ của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Anh, EU...) đều giảm giá mạnh so với đồng USD.

Giá vàng trong nước không bị tăng kép do giá USD ổn định. Nếu duy trì được mức giảm này thì năm 2016 là năm có mức giảm lớn nhất tính từ năm 1993.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Những yếu tố nào đã làm cho giá USD tại Việt Nam giảm? Yếu tố cơ bản nhất cần nói đến là quan hệ cung - cầu. Cung ngoại tệ khá cao từ nước ngoài và từ trong nước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng thực hiện 9,8 tỷ USD, tăng 8,9%. Lượng vốn đầu tư gián tiếp tính đến nay ước đạt trên 15 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cuối năm trước. Số khách quốc tế đến Việt Nam lên đến trên 6,45 triệu lượt người, tăng 25,4%, với số ngoại tệ chi tiêu ước đạt 5,66 tỷ USD (tính theo mức bình quân 899,2 USD/lượt khách của 6 tháng đầu năm), tăng 19% (trên 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước). Cán cân thương mại thặng dư khá (do chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu)... Ở trong nước, do tỷ giá giảm, lãi suất gửi USD bằng 0, lãi suất tiết kiệm bằng VND đạt thực dương..., nên tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm. Cầu ngoại tệ giảm do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng chững lại, kim ngạch nhập khẩu giảm. Có yếu tố quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 2,58%, khả năng cả năm thấp hơn mục tiêu và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến giảm áp lực “trú ẩn” vào ngoại tệ, góp phần củng cố lòng tin đối với VND.

Bên cạnh đó, trung tuần tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã “điều chỉnh kép” và “vượt trước ngăn chặn”, thể hiện sự chủ động trong việc điều hành. Quy định lãi suất huy động USD bằng 0. Chuyển phương thức điều hành có tính chất định kỳ (gọi nôm na là “giật cục”) sang tỷ giá trung tâm (gọi nôm na là “trườn bò”). Điều này vừa bảo đảm tính linh hoạt, vừa hạn chế đầu cơ đón lõng. Có yếu tố “cánh kéo tỷ giá” (giữa tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương) hiện ở mức trên 2,7 lần - cao hơn nhiều nước.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng không thể chủ quan lơi là, bởi từ nay đến cuối năm cũng có những yếu tố gây sức ép lên tỷ giá. Đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm giá đồng nội tệ. Ngày 26/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố khả năng FED nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Chỉ một vài ngày sau tuyên bố đó, chỉ số USD-Index đã tăng từ 94,26 lên 95,525; một loạt đồng tiền đã mất giá so với USD. VND từ vài tuần nay cũng giảm giá so với USD. Diễn biến trên cộng hưởng với nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam thường tăng vào cuối năm, nhu cầu trả nợ nước ngoài tăng... Tuy nhiên, dự báo cả năm, tỷ giá VND/USD cũng sẽ không tăng mạnh, chỉ tăng khoảng 1%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần